Trung Quốc 'vừa đấm vừa xoa' với Philippines trong vấn đề Biển Đông

  • 26/05/2020 09:40:00
  • Trần Khánh-Hồ Điệp
  • Thế giới
  • 0

Một mặt Trung Quốc liên tục có những hành vi gây hấn nguy hiểm, mặt khác lại muốn Philippines hợp tác, đối thoại trong vấn đề Biển Đông.

 

Đây là nhận định được ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines, đưa ra tại Hội thảo trực tuyến về vấn đề Biển Đông có chủ đề “Đi qua những vùng biển tranh chấp”, diễn ra ngày 15/5 vừa qua, khi đề cập đến những chính sách rất đáng quan ngại và đôi lúc còn đi ngược lại với nhau chỉ để phục vụ một mục tiêu duy nhất là hiện thực hoá mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Vừa leo thang khiêu khích…

Tại Hội thảo, vị chuyên gia người Philippines đã điểm lại một loạt những hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm vào các tàu Philippines hoạt động trên Biển Đông trong thời gian qua. Trong đó, đáng chú ý là vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá mang số hiệu F/B GIMVER1 của Philippines với 22 ngư dân ở gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông ngày 9/6/2019.

Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines. Ảnh: Manila Bulletin

“Ban đầu, Chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách để biện minh cho hành vi sai trái của tàu Trung Quốc, nhưng khoảng hơn 2 tháng rưỡi sau đó, Cục Nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc lại công bố bức thư xin lỗi của chủ chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines nói trên tới Chính phủ Philippines và khẳng định sẽ điều tra và buộc những đối tượng có liên quan phải chịu trách nhiệm”, ông Jay Batongbacal thông tin thêm về vụ việc.

Tuy nhiên, vụ việc nói trên chỉ dừng lại ở đó. Đến tháng 9/2019, Trung Quốc lại triển khai một nhóm tàu áp sát khu vực bãi cạn Scarborough của Philippines nhằm thể hiện quyền kiểm soát [phi pháp - PV] đối với bãi cạn này bất chấp sự phản đối quyết liệt của phía Philippines. Hành động sai trái này của phía Trung Quốc một lần nữa khiến tình hình Biển Đông càng thêm phức tạp và làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

“Cũng trong khoảng thời gian đó và vài tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã cho triển khai hàng trăm tàu cá - bị nghi ngờ là các tàu dân quân biển nguỵ trang - có sự bảo vệ của các tàu Hải cảnh Trung Quốc xuất hiện quanh nhiều quần đảo và khu vực tiền đồn của Philippines ở Biển Đông và tiến hành các hoạt động đánh cá phi pháp trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines”, ông Jay Batongbacal nói thêm.

Mới đây nhất, hồi tháng 2/2020, một chiếc tàu chiến Trung Quốc bị cáo buộc có hành động thù địch và vi phạm luật quốc tế khi khinh hạm 514 của Trung Quốc hướng hệ thống kiểm soát pháo nhằm vào khinh hạm BRP Conrado Yap đang tiến hành tuần tra ở Biển Đông. “Hành động này tương tự như việc một người cố tình chĩa súng về phía một người khác. Đây rõ ràng là một hành động thù địch không thể chấp nhận được”, ông Jay Batongbacal đánh giá.

“Hành động khiêu khích đầy nguy hiểm này” của phía Trung Quốc được ông Jay Batongbacal coi là “phát súng” báo hiệu cho việc Trung Quốc đang đẩy nhanh việc hiện thực hoá mưu đồ độc chiếm Biển Đông ngay khi nước này tạm khống chế được dịch Covid-19 trong nước và lợi dụng tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại các nước khác để dễ bề hành động theo ý mình.

Trong đó, việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là "khu Nam Sa” và "khu Tây Sa” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam được cho là “những bước đi được tính toán hết sức kỹ lưỡng” của phía Trung Quốc làm bàn đạp “để mở rộng tầm kiểm soát đối với toàn bộ khu vực Biển Đông”.

…vừa kêu gọi thúc đẩy hợp tác, đối thoại

Trong khi tình hình trên thực địa ở Biển Đông đang “nóng lên từng ngày” trước những hành vi sai trái của Trung Quốc, ngày 23/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đăng tải một video ca nhạc dài 4 phút bằng hai thứ tiếng là tiếng Quan thoại và tiếng Philippines với mục đích “ghi dấu mối quan hệ hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc trong việc phòng chống Covid-19”.

“Bài hát có tựa đề Iisang dagat (tạm dịch là Một biển), trong đó kêu gọi hai nước nắm chặt tay đoàn kết đối phó với dịch bệnh, cũng như đề cao việc Trung Quốc gửi những chiếc khẩu trang và các trang thiết bị y tế cứu trợ tới Philippines cũng như ca ngợi nỗ lực đối phó với Covid-19 của các chuyên gia y tế của cả hai nước”, ông Jay Batongbacal cho biết.

Khinh hạm 514 của Trung Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc .

“Tuy nhiên, rõ ràng nội dung bài hát này không có chỗ nào có liên quan đến biển. Chính vì thế, người dân Philippines đón nhận bài hát này một cách khá tiêu cực. Cho đến thời điểm này [ngày 15/5-PV] bài hát đã nhận tới hơn 200.000 lượt dislike [không thích-PV] và phần comment [bình luận-PV] của bài hát cũng có hàng trăm comment thể hiện sự bất bình của người dân Philippines”, ông Jay Batongbacal thông tin thêm.

Theo ông Jay Batongbacal, thái độ của người dân Philippines đối với bài hát nói trên là hoàn toàn dễ hiểu nếu xét đến những gì Trung Quốc đã làm trong những năm vừa qua nhằm thúc đẩy tinh thần hợp tác vì hoà bình giữa 2 nước trên Biển Đông. Bài hát nói trên là một bằng chứng về việc Trung Quốc đang cố tình đẩy mạnh những hoạt động tuyên truyền nhằm che đậy những hành vi đầy sai trái của nước này ở Biển Đông./.

Trần Khánh-Hồ Điệp/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận