Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Với quyết định rút khỏi Hiệp ước về Bầu trời mở, Mỹ giáng một đòn nặng vào tiến trình kiểm soát vũ trang, giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới.

 

Chính phủ Mỹ đã bắt đầu vận hành quy trình rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (Open Skies Treaty) ký kết với 33 quốc gia khác.

Theo quy định chung của hiệp ước này, Mỹ có thời gian 6 tháng để xem xét lại quyết định ấy và 33 thành viên kia có thời gian 6 tháng để thuyết phục Mỹ thay đổi quyết định. Như thế có nghĩa là nếu Mỹ kiên định quyết sách này thì sau 6 tháng nữa sẽ chính thức không còn là thành viên của hiệp ước nữa.

Mỹ lập luận cho quyết định ra khỏi hiệp ước này bằng cáo buộc Nga không tuân thủ nghiêm chỉnh hiệp ước và đặt điều kiện là nếu Nga chấp nhận đáp ứng những điều kiện của Mỹ thì Mỹ mới tiếp tục tham gia hiệp ước này. Những biện luận này của Mỹ giống hệt mọi lập luận của Mỹ cho quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF).

Nếu Mỹ kiên định quyết sách này thì sau 6 tháng nữa sẽ chính thức không còn là thành viên của hiệp ước nữa. (Ảnh: KT))

Hiệp ước về Bầu trời mở được coi là một trong những trụ cột chính của tiến trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân cũng như xây dựng lòng tin giữa Nga với Mỹ và các nước thành viên NATO. Nội dung chủ yếu của hiệp ước này là các bên tham gia được thực hiện những chuyến bay trinh sát trên lãnh thổ của nhau, đương nhiên không thể tùy ý mà phải tuân theo những quy định và điều kiện nhất định của hiệp ước cũng như của nước chủ nhà.

Ý tưởng ở đây là dùng xây dựng lòng tin để thúc đẩy quá trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân. Mỹ đưa ra đề nghị này đầu tiên năm 1955 nhưng không được Liên Xô chấp nhận. Năm 1989, Mỹ khơi lại chuyện này và các bên tham gia tiến hành đàm phán. Năm 1992, hiệp định này được ký kết và có hiệu lực chính thức từ năm 2002.

Việc thực hiện nó trên thực tế đến nay tuy không phải luôn suôn sẻ vì bên này vẫn thường cáo buộc bên kia không tuân thủ nghiêm chỉnh, nhưng không ai đặt ra việc rút khỏi hiệp ước hay đàm phán lại hiệp ước. Cho tới khi nước Mỹ có sự chuyển giao chính quyền từ tổng thống Barack Obama sang tổng thống Donald Trump.

Ông Trump chủ trương rút nước Mỹ ra khỏi những thoả thuận và thể chế đa phương quốc tế, không mặn mà gì với chủ nghĩa đa phương mà thiên về hành động đơn phương. Giải thoát nước Mỹ ra khỏi những ràng buộc của các thoả thuận đa phương quốc tế mà Mỹ đã tham gia được ông Trump coi là hành động theo khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Suy tính của ông Trump trong gần như mọi trường hợp là các thoả thuận hiện hành đều bất lợi cho Mỹ, vì thế Mỹ phải ra khỏi những thoả thuận ấy và các đối tác nếu muốn Mỹ tham gia thì phải tiến hành đàm phán lại với Mỹ.

Ông Trump còn quả quyết rằng chỉ cần Mỹ dọa là rút khỏi các thoả thuận ấy hoặc quyết định như thế thì các đối tác tự khắc sẽ cầu cạnh Mỹ để níu kéo Mỹ, chấp nhận mọi điều kiện của Mỹ và đàm phán lại với Mỹ. Trong trường hợp hiệp ước INF hay Bầu trời mở, ông Trump cũng tin rằng rồi Nga cũng sẽ phải chủ động tiến về phía Mỹ. Nga đã không như ông Trump nghĩ sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Nga cũng không tin vào khả năng sẽ có thoả thuận mới thay thế Hiệp ước INF hay Bầu trời mở, nhất là khi phía Mỹ và cá nhân ông Trump đòi cả Trung Quốc cũng phải tham gia.

Với quyết định rút khỏi Hiệp ước về Bầu trời mở, chính quyền của ông Trump giáng một đòn nặng vào tiến trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nhiều khả năng tiến trình này không còn có thể cứu vãn được nữa. Mỹ và Nga thì không sao bởi cuộc ganh đua tay đôi giữa họ với nhau không thay đổi cơ bản gì. Trung Quốc sẽ vẫn tìm mọi cách để đứng ngoài cuộc. Chỉ có các nước thành viên EU và NATO ở châu Âu là có đủ lý do xác đáng để lo ngại thật sự. Nga có thể tận dụng việc này để khoét sâu mối bất hoà giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Âu trong khi chính mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh này sẽ thêm trắc trở./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận