Triển khai đơn vị tác chiến điện tử, Mỹ 'không nói suông' ở Biển Đông?

Việc Mỹ có kế hoạch triển khai đơn vị tác chiến điện tử ở Biển Đông phải chăng đã cho thấy Washington đang hành động thực chất để kiềm chế Trung Quốc?

 

Đằng sau kế hoạch triển khai đơn vị tác chiến điện tử ở Biển Đông

Quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai đơn vị tác chiến điện tử tới Biển Đông như một động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump nhằm gây sức ép với Trung Quốc sau khi tuyên bố các yêu sách trên biển của Bắc Kinh là "hoàn toàn phi pháp".

Một thủy thủ làm việc trên tàu khu trục USS Ralph Johnson của Mỹ ngày 14/7 ở khu vực gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hai đơn vị đặc biệt sẽ được triển khai tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vào đầu năm 2021 để tiến hành các hoạt động khác nhau từ tác chiến điện tử cho tới chiến tranh mạng. Ít nhất một trong các đơn vị này sẽ hoạt động ở khu vực Biển Đông.

Việc làm gián đoạn hoạt động liên lạc quân sự của Trung Quốc qua một "cú lừa" sẽ là cách phản ứng hiệu quả với tình trạng khẩn cấp ở Biển Đông, một cựu quan chức Hải quân Mỹ cho hay.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ Biển Đông qua cái gọi là "đường 9 đoạn" và gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng biển này trong suốt thập kỷ qua. Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 3.000 mét và một cảng quân sự quy mô lớn ở đảo Đá Chữ Thập [thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam-ND]. Tại đảo Phú Lâm, vốn là một phần của quần đảo Hoàng Sa [thuộc chủ quyền của Việt Nam-ND], Trung Quốc cũng xây dựng một nhà chứa máy bay, được cho là trang bị các tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm. Bên cạnh đó, các cuộc tập trận hải quân cũng thường xuyên diễn ra ở khu vực này. Ngoài ra, trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc còn triển khai các tên lửa có khả năng tấn công bất kỳ vị trí nào ở Biển Đông.

Để đối phó với tình hình này, Mỹ muốn tăng cường khả năng ngăn chặn Trung Quốc tấn công các lực lượng của Mỹ trong trường hợp xung đột nổ ra ở Biển Đông.

Chiến lược quốc phòng của Trung Quốc được xây dựng dựa trên nội dung chống tiếp cận hay A2/AD, kết hợp với hệ thống các tên lửa và bộ cảm biến nhằm ngăn cản đối phương tự do đi lại và tiếp cận các vị trí của mình.

Do đó, một cựu quan chức Hải quân Mỹ khẳng định Washington và các đối tác "phải hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể đánh bại những hệ thống vũ khí này. Một trong những cách đó là thông qua việc sử dụng công nghệ nhằm đánh lừa các thiết bị dò tìm tên lửa. Khi đó, thiết bị dò tìm sẽ sẽ xác định rằng nó đang hướng về phía tàu sân bay hoặc một tàu thuyền nào đó nhưng thực ra nó chỉ đang hướng về phía vùng biển cách xa mục tiêu ít nhất nửa dặm. Vậy là kế hoạch có thể thành công. Một cú lừa".

Nếu kế hoạch tiếp cận Biển Đông trở nên bất khả thi, quân đội Mỹ sẽ có kế hoạch phản ứng bằng cuộc tấn công sử dụng tên lửa tầm xa.

Vị tướng nghỉ hưu Jack Keane, đồng thời là cựu phó tham mưu Lục quân Mỹ nhận định, chiến lược A2/AD của Trung Quốc sẽ đem đến cho Bắc Kinh một lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, Mỹ phải chắc chắn rằng có một "sự phòng thủ hiệu quả ở đây và các tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Mỹ".

Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga vào năm ngoái và đang phát triển các loại tên lửa mới vốn bị cấm trong Hiệp ước này. Washington cũng bắt đầu đàm phán với các nước châu Á về địa điểm triển khai các loại vũ khí trên.

Mỹ đã thực sự quay lại Biển Đông?

Trang Asia Nikkei nhận định sự kiểm soát lớn hơn của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ hạn chế hoạt động của Mỹ ở đây, đồng thời biến nơi này thành "một thiên đường an toàn" cho các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc nhắm vào Mỹ.

Để phản ứng với những diễn biến gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 đã nhận định rằng: "Các yêu sách của Bắc Kinh với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn phi pháp". Tuyên bố này là một sự dịch chuyển chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump so với lập trường trung lập trước đó của Mỹ tại vùng biển này. Theo thông báo từ Hạm đội 7 của Mỹ, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson của nước này đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải hôm 14/7 ở khu vực quần đảo Trường Sa.

"Hôm 13/7, lần đầu tiên chúng tôi đã làm rõ chính sách của mình tại Biển Đông. Nơi này không phải đế chế hàng hải của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế và các quốc gia không làm gì, lịch sử sẽ cho thấy rằng Bắc Kinh sẽ chiếm nhiều lãnh thổ hơn".

Trong những năm gần đây, Mỹ đã quay lại xây dựng ảnh hưởng ở Biển Đông song James Fanell, người từng đứng đầu cơ quan tình báo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhận định: "Nhiều người chúng tôi phục vụ trong chính phủ Mỹ vào thời điểm chính quyền Tổng thống Obama thông báo "xoay trục về Thái Bình Dương" đặt kỳ vọng lớn vào chiến lược này nhưng thực tế cho thấy bất chấp những thông điệp về sự tái cân bằng ở Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Obama đã không có hành động thực chất nào để thực hiện chiến lược này.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hầu như cũng không mấy quan tâm đến Biển Đông nên việc liệu quân đội Mỹ có thể kiềm chế hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển này về dài hạn hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận