Libya được dự đoán sẽ là chiến trường khốc liệt giữa hai “ông lớn” đứng về hai phía chiến tuyến của cuộc xung đột là Ai Cập - hậu thuẫn Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Halfar đứng đầu và Thổ Nhĩ Kỳ - hậu thuẫn Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA).
Tuy nhiên, những bước tiến của Chính phủ đoàn kết Dân tộc Libya đang tiến gần đến “lằn ranh đỏ” mà Ai Cập đưa ra, với cảnh báo sẽ can thiệp quân sự vào Libya nếu Sirte bị chiếm giữ. Tổng thống Ai Cập Abdel El Sisi tuyên bố sẽ không đứng yên trước bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào đối với an ninh của Ai Cập và Libya.
Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya cuối tuần qua cho biết đang đưa các tay súng đến gần Sirte - cửa ngõ các cơ sở dầu chính của Libya. Chiếm giữ hầu hết các vùng lãnh thổ tây bắc Libya thời gian qua, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya tuyên bố sẽ tiếp tục chiếm giữ Sirte và căn cứ của Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya ở Juffra.
“Lằn ranh đỏ mà chúng tôi đề cập là lời kêu gọi cho hòa bình và chấm dứt xung đột tại Libya. Tuy nhiên chúng tôi không ngồi yên trước bất cứ động thái nào, đe dọa trực tiếp đến an ninh chiến lược quốc gia, đặc biệt là khả năng huy động quân sự gia tăng tại thành phố Sirte. Tôi hy vọng tình hình sẽ không gia tăng căng thẳng, vì chắc chắc Ai Cập sẽ không ngồi yên trước bất cứ vi phạm nào đối với lằn ranh giới đỏ”, Tổng thống El Sisi nhấn mạnh.
Theo nguồn tin địa phương, quốc hội Ai Cập dự kiến tổ chức một cuộc họp trong tuần này để thảo luận tình hình Libi. Tổng thống Abdel El Sisi cho biết bất cứ quyết định nào về Libya cũng cần sự tán thành của Quốc hội.
Với việc Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho chiến dịch của đồng minh tại Libya, Ai Cập cũng có thể can thiệp quân sự ở phía đối kháng. Điều này có khả năng dẫn đến một cuộc xung đột nguy hiểm giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập trên chiến trường Libya, cuốn các bên liên quan vào vòng xoáy căng thẳng mới.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo: “Cuộc xung đột tại Libya đã bước vào giai đoạn mới với sự can thiệp của nước ngoài ở mức chưng từng có, bao gồm việc chuyển giao các trang thiết bị quân sự và binh lính tham chiến. Chúng tôi lo ngại về các hoạt động quân sự gia tăng và sự can thiệp nước ngoài, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc”.
Mặc dù vậy vẫn có những nhận định lạc quan khi cho rằng vì lợi ích an ninh chiến lược sống còn, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập sẽ cố gắng kiểm soát tình hình. Một quyết định của Ai Cập can thiệp quân sự vào Libya sẽ là một nấc thang căng thẳng mới, không chỉ tại Libya, mà còn cuốn tất cả các nước liên quan can dự nhiều hơn vào cuộc chiến ủy nhiệm này. Lập trường và quan điểm của Mỹ đến thời điểm này được cho là khá mờ nhạt trước những diễn biến xung đột Libya. Tuy nhiên, nếu Ai Cập leo thang cuộc chiến, Nga sẽ phải can dự nhiều hơn, chắc chắn sẽ đối mặt với một phản ứng từ phía Mỹ.
Một Libya đổ máu sẽ là bước thụt lùi đáng quan ngại đối với chính sách ưu tiên của châu Âu và Mỹ, vốn là đảm bảo an ninh cho khu vực Đông Địa Trung Hải nhiều biến động và củng cố liên minh NATO đang trong thời kỳ lỏng lẻo. Do đó nhiều quốc gia lên tiếng kêu gọi các bên tại Libya ngừng bắn và đạt được giải pháp thông qua đối thoại. Trong một bước đi cứng rắn, 3 nước châu Âu Đức, Pháp và Italy cuối tuần qua lần đầu tiên cảnh báo sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt nếu các nước vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc tại Libya./.
Phạm Hà/VOV.VN