Các biện pháp hạn chế đi lại do dịch Covid-19 kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội tại nhiều nước trên thế giới. Đi liền với giá cả tăng cao là nạn đói là tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là với trẻ em tại nhiều quốc gia nghèo trên thế giới.
Theo một báo cáo mới đây của LHQ, dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế đi lại đã đẩy những cộng đồng người bị đói đến giới hạn tận cùng của sự chịu đựng. Từ Mỹ Latinh đến Nam Á và khu vực hạ Sahara, tương lai của nhiều gia đình giờ chỉ tập trung vào việc kiếm thức ăn để nuôi sống gia đình.
Tại Burkina Faso, giá cả thực phẩm tăng do đại dịch khiến 12 trong số 20 triệu dân ở nước này không có đủ lương thực để ăn. Cứ 3 trẻ em có 1 em thường xuyên bị suy dinh dưỡng. Afghanistan cũng đang trong bờ vực đỏ của nạn đói, với số trẻ em bị suy dịnh dưỡng hiện đã tăng thêm hơn 100.000 người từ mức 690.000 của tháng 1 vừa qua lên 780.000, tức tăng 13%. Ước tính, cứ 10 trẻ em có 4 trẻ em ở nước này bị thấp còi. Dự báo, giá thực phẩm tăng hơn 15% có thể khiến hơn 13.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan chết vì đói. Yemen và Sudan cũng trong tình trạng tương tự.
Theo tiến sĩ Francesco Branca, người đứng đầu về dinh dưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới, tác động của an ninh lương thực do khủng hoảng Covid-19 sẽ còn để lại trong nhiều năm nữa. Nếu không có giải pháp đối phó với dịch bệnh, tình trạng suy dịnh dưỡng và thấp còi có thể làm tổn hại vĩnh viễn cả thể chất và tinh thần của trẻ em, biến thảm họa cá nhân thành thảm họa của cả một thế hệ.
Mới đây, lãnh đạo của 4 tổ chức quốc tế gồm WHO, UNICEF, Chương trình Lương thực Thế giới và Tổ chức Nông Lương LHQ cũng đã kêu gọi tài trợ ít nhất 2,4 tỷ đô la để giải quyết nạn đói. Theo các tổ chức này, để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, đẩy lùi nạn đói, ngoài tiền bạc, Chính phủ các nước cũng cần giảm bớt biện pháp hạn chế đi lại, thay vào đó tăng cường các biện pháp đã được chứng minh là hiệu quả như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các khoản hỗ trợ./.
Hồng Nhung