Bên cạnh khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh, việc chạy đua để điều chế vaccine Covid-19 đầu tiên còn có ý nghĩa về mặt chính trị đối với các cường quốc.
Cuộc đua điều chế vaccine Covid-19 đang diễn ra rất quyết liệt, trong đó Nga đã phát đi những tín hiệu về việc sẽ “về đích” đầu tiên với việc bào chế vaccine trong 2 tuần đầu tháng 8 và đưa vaccine phục vụ cộng đồng trong tháng 9. Phía Mỹ hiện tỏ ra khá nghi ngờ về khả năng Nga hoặc Trung Quốc có thể có vaccine Covid-19 trước Mỹ. Phát biểu tại phiên điều trần trước Tiểu ban khủng hoảng Covid-19 của Hạ viện Mỹ ngày 31/7, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, đã nêu lên quan ngại về mức độ an toàn của loại vaccine đang được Trung Quốc và Nga phát triển. Ông Fauci cũng cho rằng việc Trung Quốc và Nga sản xuất thành công vaccine ngừa Covid-19 trước Mỹ là điều khó xảy ra. Tiến sĩ Fauci tuyên bố, sẽ không có khả năng Mỹ sử dụng bất kỳ loại vaccine nào được sản xuất ở Trung Quốc hoặc Nga, nơi các quy định về an toàn “mơ hồ” hơn rất nhiều so với các nước phương Tây.
Tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một loại vaccine do công ty CanSino Biologics phát triển và đã được thử nghiệm trong quân đội Trung Quốc. Nhiều nhà khoa học trên thế giới, bao gồm các nhà khoa học Mỹ, đã bày tỏ lo ngại về khía cạnh đạo đức, bởi vì loại vaccine này chưa qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng mà đã được dùng trên con người. Hai công ty khác của Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm, cũng đã thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine của họ trên người ở Brazil và Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất. Trong khi Bộ trưởng Y tế Nga, ông Mikhail Murashko, đã thông báo về kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine do Nga chế tạo cho các nhân viên y tế và giáo viên vào tháng 10 tới. Hiện Nga đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng và đang chuẩn bị đăng ký loại vaccine này với các cơ quan quản lý.
Đối với Mỹ, dù có tiềm lực hàng đầu thế giới cả về kinh tế, y tế và khoa học công nghệ hiện đại, song với tính chất và mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, việc kiểm soát và sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 hiện là điều thực sự không dễ. Đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã gây tổn thất vô cùng lớn đối với Mỹ về kinh tế, khiến hơn 4,6 triệu trường hợp nhiễm bệnh và hơn 155.000 người tử vong. Những thành tựu mà Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực đạt được trong gần 4 năm cầm quyền, nhất là kinh tế và việc làm dường như bị “xóa sổ”. Do vậy, việc sớm tìm ra một loại vaccine ngừa Covid-19 có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và được xem là “chìa khóa” mở ra cơ hội cho ông Trump tái đắc cử và đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội, nhất là trong bối cảnh chỉ còn ba tháng nữa diễn ra tổng tuyển cử tại Mỹ.
Ngày 31/7, Chính phủ Mỹ đạt được thỏa thuận trị giá 2,1 tỉ USD với hãng dược phẩm Sanofi của Pháp và GlaxoSmithKline (GSK) của Anh để thúc đẩy phát triển vaccine ngừa Covid-19. Mỹ đã đưa một loại vaccine tiềm năng do Sanofi và GSK hợp tác phát triển là ưu tiên hàng đầu trong chương trình đẩy mạnh bào chế vaccine của mình. Tuyên bố chung của Sanofi và GSK nêu rõ, khoản đầu tư mới này của Washington sẽ giúp tăng chi tiêu cho các hoạt động phát triển và bảo đảm năng lực sản xuất vaccine trên diện rộng của họ tại Mỹ.
Cùng ngày 31/7, Liên minh châu Âu cũng thông báo đạt được thỏa thuận đặt trước với Sanofi và GSK 300 triệu liều khi vaccine ngừa Covid-19 ra đời. Vương quốc Anh cũng đã thông báo đặt trước 60 triệu liều vaccine cùng loại. Điều này cho thấy cuộc chạy đua giành quyền có được vaccine ngừa Covid-19 trước tiên đang diễn ra quyết liệt giữa các cường quốc. Tổ chức Y tế Thế giới đang ra sức kêu gọi sự hợp tác quốc tế và Tổng thống Trump cũng tuyên bố “sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai” để mang lại điều tốt đẹp cho người dân Mỹ, nhưng với sự hoài nghi của Tiến sĩ Fauci, không có gì đảm bảo sẽ có sự hợp tác giữa Mỹ với Nga hoặc Trung Quốc trong việc phát triển vaccine ngừa Covid-19 thời gian tới./.
Phạm Huân/VOV-Washington