Hé lộ những nhân vật sáng giá nhất cho chức Thủ tướng Nhật Bản

Đến thời điểm hiện tại, đã nổi lên 4 ứng cử viên sáng giá cho chức tân Thủ tướng Nhật Bản.

 

Sau khi bất ngờ về quyết định từ chức của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 28/8, dư luận giờ đây đang đổ dồn sự chú ý vào cuộc đua giành chiếc ghế Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đồng nghĩa với chức Thủ tướng thay ông Abe.

Bên cạnh đó, người ta cũng đặt câu hỏi rằng liệu các đường hướng, chính sách của Nhật Bản giai đoạn “hậu Abe Shinzo” có nhiều thay đổi không, khi nhà lãnh đạo này đã ghi dấu ấn cá nhân khá rõ nét trong các quyết sách cả về đối nội và đối ngoại trong thời gian tại nhiệm.

Ông AbeShinzo từ chức Thủ tướng Nhật Bản hôm 28/8. Nhân vật nặng ký cho chức vụ tân thủ tướng là ai?

Sau khi ông Abe Shinzo tuyên bố từ chức, động thái đầu tiên đó là Đảng Dân chủ Tự do đã quyết định sẽ triệu tập một cuộc họp Quốc hội lâm thời vào ngày 17/9 tới nhằm tiến hành một cuộc bầu cử, bầu ra Thủ tướng mới cho Nhật Bản. Thủ tướng mới sẽ đảm nhận nốt quãng thời gian còn lại khoảng một năm trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe.

Đến giờ phút này, đã nổi lên 4 ứng cử viên sáng giá cho chức Tân Thủ tướng Nhật Bản. Đó là ông Suga Yoshihide, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Ishiba Shigeru, nguyên Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, ông Fumio Kishida, Trưởng ban nghiên cứu chính sách của Đảng, và ông Taro Kono, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản.

Ông Suga năm nay 71 tuổi. Ông cũng đã quyết định việc tham gia vào cuộc tranh cử Thủ tướng và sẽ có công bố chính thức sau ngày 1/9. Ông Suga cũng đã báo cáo việc này lên Tổng thư ký Đảng ông Nikai Toshihiro, người được coi có quyền lực thứ 2 chỉ sau ông Abe Shinzo. Ông Suga được đánh giá là không những sẽ nhận được hộ từ ông Nikai mà còn nhận được nhận được sự ủng hộ của Nhóm Phó Thủ tướng Aso Taro, người vốn mấy hôm trước có ý kiến cho rằng cũng sẽ tham gia tranh cử.

Ông Ishiba Shigeru, Nguyên Tổng thư ký Đảng được yêu cầu tham gia tranh cử với tư cách là thành viên của Đảng. Do đó, đến nay việc ông có quyết định tham gia hay không vẫn chưa rõ ràng. Dư luận cho rằng ông có nhiều yếu tố bất lợi trong vấn đề tranh cử.

Người tiếp theo là Trưởng Ban chính sách Fumio Kishida, năm nay 63 tuổi, bằng tuổi với ông Ishiba Shigeru. Ông Kishida cũng vừa có bài diễn thuyết về chính sách tranh cử Thủ tướng của mình vào tối hôm qua (30/8). Dư luận cho rằng ông Fumio mong muốn nhận được sự ủng hộ từ ông Abe, nhưng cũng có khả năng ông Abe đang có xu hướng chuyển chiến lược của mình sang ủng hộ ông Suga.

Thành viên trẻ nhất đó là ông Kono Taro, năm nay mới 57 tuổi, đương kim Bộ trưởng Phòng vệ. Trước đó, ông cũng đã nắm giữ chức Bộ Trưởng Ngoại giao, và chỉ giữ chức Bộ trưởng Phòng vệ khi ông Abe cải tổ Nội các vào năm ngoái. Hiện ông đang ở thăm Mỹ, và sẽ có quyết định sớm có tranh cử hay không.

Như vậy, phải đợi vài ngày nữa chúng ta mới rõ tất cả những người trên có tham gia tranh cử hay không, bởi những ngày này các bên vẫn đang tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác trong Đảng. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Suga Yoshihide có thể nói là ứng cử viên sáng giá nhất. Dĩ nhiên có thể có những yếu tố bất ngờ sẽ đảo ngược tình thế.

Chính sách sẽ ít thay đổi

Dù ai lên nắm quyền thay ông Abe trong thời gian này thì cũng khó dẫn đến những thay đổi chính sách lớn ngay lập tức tại Nhật Bản.

Việc ông Abe từ chức sẽ không có ảnh hưởng nhiều về mặt đối nội, bởi đa số ghế Quốc hội đang thuộc về đảng Dân chủ Tự do. Bên cạnh đó, trong Đảng vẫn có những người có nhiều kinh nghiệm như Tổng thư ký Nikai Toshihiro, Chánh văn phòng Nội các Suga Yoshihide.

Trước đó, trong bài phát biểu của mình khi từ chức, ông Abe có nhắc tới một số việc mà ông chưa kịp thực hiện đến cùng, đó là việc giải quyết vấn đề bắt cóc con tin, Hiệp định Hòa bình Nhật-Nga chưa được ký kết, cải cách Hiến pháp còn dang dở. Nghĩa là đa số là những vấn đề ngoại giao. Còn vấn đề trong nước đó là việc tiếp tục hồi phục kinh tế thông qua chính sách Abenomics mà ông đưa từ năm 2013, đặc biệt là việc đối phó với đại dịch Covid-19 đang vẫn có xu hướng lan rộng tại Nhật Bản.

Trong các giai đoạn lịch sử của Nhật Bản đều có Thủ tướng từ chức giữa nhiệm kỳ, hoặc chỉ tại chức trong thời gian rất ngắn. Đối với những vị Thủ tướng có nhiều chính sách cụ thể và có hiệu quả, thì ngay cả khi từ chức hay hết nhiệm kỳ cũng sẽ được những Thủ tướng kế nhiệm duy trì và phát triển. Đây là điều đáng quí, ít quốc gia nào trên thế giới thực hiện liên tục được như Nhật Bản.

Trong trường hợp này cũng vậy, trước hết người kế nhiệm ông Abe sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách trước đó của ông Abe, bởi ông Abe vẫn là người trong Đảng và còn có sức ảnh hưởng lớn. Hơn thế nữa, chỉ còn 1 năm cho chức Thủ tướng ở nhiệm kỳ này.

Nên sự thay đổi lớn trong các chính sách có lẽ không nhiều, nếu như không nói có thể sẽ giữ nguyên và chỉ duy trì ở mức ổn định, đặc biệt là những vấn đề quốc tế. Riêng vấn đề dồn sức lực cho chống dịch Covid-19 thì không chỉ Đảng Dân chủ Tự do, ngay cả đảng phái đối lập cũng hết sức mong muốn tăng cường chống dịch.

Xét ở khía cạnh đối ngoại, Nhật Bản đang đối mặt với mối quan hệ không êm ấm với cả 3 láng giềng ở Đông Bắc Á gồm có Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên. Chính quyền Abe thời gian qua đã tập trung vào giải quyết nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là các mối quan tâm xung quanh khu vực này. Mấy năm vừa qua, Nhật Bản thúc đẩy cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc.

Với Trung Quốc quan hệ có vẻ như đang ấm dần lên. Nếu như đại dịch Covid-19 không xảy ra thì có lẽ quan hệ hai nước đã có những biến chuyển lớn khi Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện được chuyến thăm Nhật Bản vào hồi tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, quan hệ Nhật-Trung trong một số vấn đề quốc tế như vấn đề Biển Đông, Hoa Đông sẽ vẫn căng thẳng.

Riêng với Hàn Quốc, việc Nhật Bản căng thẳng với Hàn Quốc xung quanh vấn đề xuất nhập khẩu, vấn đề lịch sử sẽ là chủ đề giữa hai nước trong thời gian tới. Đối với Triều Tiên, Nhật Bản vẫn tiếp tục theo dõi sát hoạt động phát triển hạt nhân của nước này.

Trong vòng một năm tới, dù người thay thế Thủ tướng Abe là ai, chính sách đối ngoại của Nhật Bản sẽ không có nhiều thay đổi. Quan hệ đối với Việt Nam cũng vậy, Nhật Bản tiếp tục coi trọng phát triển quan hệ tốt đẹp với Việt Nam./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

 

Bình luận

    Chưa có bình luận