TikTok trong cuộc chơi chính trị

Ông Trump muốn tạo dựng hình ảnh của cử tri Mỹ là người sẵn sàng hành động quyết liệt và có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc vì lợi ích của nước Mỹ.

 

Ngày 15/9 vừa qua hoặc cũng có thể ngày 20/9 tới là thời hạn trong tối hậu thư mà tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cho tập đoàn Bytedance của Trung Quốc phải bán ứng dụng video clip ngắn TikTok cho một hãng nào đấy của Mỹ hoặc bị cấm hoạt động trên thị trường Mỹ.

Theo tập đoàn này, ở Mỹ hiện có khoảng 100 triệu người sử dụng TikTok và ở châu Âu cũng gần tương tự. Trong khi WeChat được sử dụng ở Trung Quốc là chỉ và ở bên ngoài Trung Quốc chỉ được người gốc Trung Quốc sử dụng thì TikTok lại không được sử dụng ở Trung Quốc mà chỉ ở bên ngoài Trung Quốc. Trên phương diện mạng xã hội, TikTok có tiềm năng trở thành kỳ phùng địch thủ trong tương lai của những mạng xã hội lớn của Mỹ.

Trên phương diện mạng xã hội, TikTok có tiềm năng trở thành kỳ phùng địch thủ trong tương lai của những mạng xã hội lớn của Mỹ. (ảnh: KT)

Ông Trump mở cuộc thập tự chinh nhằm vào TikTok, cùng với WeChat, có với mục đích giúp giới kinh tế Mỹ loại bớt được đối thủ cạnh tranh từ phía Trung Quốc. Nhưng đấy hiện tại chỉ là mục tiêu phụ. Năm nay, ở nước Mỹ có cuộc bầu cử tổng thống mà ông Trump muốn được tái đắc cử. Chuyện đối ngoại xưa nay rất hiếm khi đóng vai trò quyết định kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Hiện tại, triển vọng tái đắc cử tổng thống của ông Trump không phải không có nhưng không được sáng sủa cho lắm. Vì thế, người này chủ trương chơi con bài Trung Quốc trong vận động tranh cử để góp phần cải thiện cơ may tái đắc cử tổng thống. Từ đầu năm nay đến giờ, người này làm găng với Trung Quốc và phía Mỹ đã có những điều chỉnh chính sách rất cơ bản đối với Trung Quốc. Ông Trump muốn tạo dựng hình ảnh về người sẵn sàng hành động quyết liệt và có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc vì lợi ích của nước Mỹ trong con mắt nhìn nhận và phán quyết của cử tri Mỹ. TikTok vì thế bị lôi kéo vào chuyện chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố rằng "Nếu tôi đắc cử thì nước Mỹ thắng còn nếu ông Joe Biden trúng cử thì Trung Quốc thắng".

Ông Trump đưa ra cho Bytedance hai sự lựa chọn là tự nguyện bán TikTok cho một công ty của Mỹ hoặc bị cấm trên thị trường Mỹ. Sau khi ông Trump đưa ra tối hậu thư cho Bytedance, phía Trung Quốc ban hành chính sách mới với nội dung cơ bản là cấm các hãng của Trung Quốc tự tiện bán bí quyết công nghệ của họ cho công ty nước ngoài. Trong trường hợp TikTok, luật mới này hàm ý nếu Bytedance bán lại TikTok cho ai thì phải có được sự đồng ý của chính quyền Trung Quốc. Qua đó cũng có thể thấy phía Trung Quốc không có ý định giúp ông Trump làm bàn đạp để có thể tái đắc cử tổng thống.

Tập đoàn Microsoft của Mỹ đã đưa ra cái giá 50 tỷ USD để mua lại TikTok. Tuy nhiên, ngay trước khi hết thời hạn tối hậu thư của ông Trump, phía Bytedance cho biết đang thỏa thuận với tập đoàn Oracle của Mỹ về thiết lập mối quan hệ "hợp tác công nghệ". Có thể hiểu một cách đơn giản là Bytedance không bán TikTok cho bất cử công ty nào của Mỹ mà chủ trương hợp tác với tập đoàn Oracle để cùng kinh doanh TikTok trên thị trường Mỹ. Động thái mới này không phù hợp với cả hai kịch bản mà ông Trump đã áp đặt cho TikTok. Nó giúp Bytedance không vi phạm luật mới của Trung Quốc mà vẫn duy trì được sự tồn tại cũng như hoạt động kinh doanh trên thị trường Mỹ. Nó đồng thời vô hiệu hoá được cáo buộc của ông Trump là TikTok hoạt động tình báo gián điệp ở Mỹ phục vụ chính quyền Trung Quốc.

Nếu ông Trump không thay đổi quan điểm theo hướng bớt găng với Trung Quốc thì phi vụ hợp tác giữa Oracle và Bytedance về TikTok không thể ổn thoả. Điều ông Trump muốn trong chuyện này là Bytedance và TikTok phải chịu thua và phải bị khuất phục chứ không có một giải pháp thoả hiệp giúp Bytedance vớt vát cả thể diện lẫn lợi ích kinh doanh. Điều có thể chắc chắn được là càng gần đến thời điểm diễn ra  bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới thì ông Trump còn chưa nhẹ tay với Trung Quốc và Bytedance cùng với TikTok./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận