Tình hình chính trị nội bộ hiện nay của nước Mỹ (đồng minh lớn của Nhật Bản) cộng với đại dịch Covid-19 đang tạo ra thách thức lớn cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Sự suy giảm vị thế chính trị của Mỹ vốn không phải là hiện tượng mới nhưng xu hướng này trở nên rõ rệt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bối cảnh đó, đối với Nhật Bản, Mỹ trở nên bớt tin cậy hơn ở cả phương diện đối tác song phương lẫn đa phương.
Ngoại giao ninja ứng phó với ngoại giao chiến binh
Chính sách đối ngoại của Nhật Bản đã chuyển hướng từ chỗ tập trung vào quan hệ với Mỹ sang cách tiếp cận chủ động hơn, linh hoạt hơn, và yên lặng hơn. Cách tiếp cận này có thể gọi là “ngoại giao ninja (nhẫn giả)”, đối lập với phong cách ngoại giao “chiến binh” của Trung Quốc hay phong cách “cao bồi” của Mỹ.
Ngoại giao ninja duy trì mức lộ diện thấp nhưng vẫn không ngừng hoạt động, cố gắng tạo ra kết quả thông qua một chiến lược rộng lớn hơn với sự tham gia của nhiều nhân tố khác. Cụ thể ở đây, các nhân tố đó gồm các bộ của chính quyền Nhật, khu vực tư nhân của nước này, các quốc gia khác, và các tổ chức quốc tế. Áp dụng biểu tượng văn hóa ninja của Nhật có thể chưa phản ánh đầy đủ hết chiến lược đối ngoại của một quốc gia nhưng khái niệm ninja vẫn phản ánh súc tích các khía cạnh chính của chiến lược này.
Nhật Bản đang giảm dần sự phụ thuộc quá nhiều vào quan hệ với Mỹ. Nhật Bản đã ký các thỏa thuận hợp tác an ninh và kinh tế mới với các nước khác bao gồm Australia, Ấn Độ, Canada, và Philippines cũng như các thỏa thuận tập thể với NATO và Liên minh châu Âu (EU). Nhật cũng đầu tư vào các tổ chức quốc tế như ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á, và APEC.
Tất nhiên các quan hệ đối tác mới này chưa thể thay thế cho chiều sâu của hợp tác Mỹ-Nhật trong các mảng kinh tế, an ninh, và công nghệ.
Nhật không thể lựa chọn giữa liên minh với Mỹ, lấy lòng Trung Quốc, hay theo đuổi chính sách cường quốc hạng trung. Thay vào đó, Nhật phải vận dụng cả ba cách tiếp cận – điều này đòi hỏi sự khéo léo và đôi khi cả việc phủ nhận. Tokyo sẽ vừa phải đẩy mạnh chiến lược ngoại giao 2 mũi nhọn để ủng hộ thế đứng của Mỹ trên thế giới, vừa phải đa dạng hóa các mối quan hệ và ảnh hưởng quốc tế của mình.
Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Trump ưu tiên các chính sách bảo hộ, có người sẽ nghĩ rằng cách tiếp cận “trở lại với châu Á” có thể giành được ưu thế ở Tokyo. Nhưng mặc dù Bắc Kinh đang thúc đẩy khái niệm “châu Á dành cho người châu Á”, giới lập pháp Tokyo lại hoài nghi các đối tác Trung Quốc sẽ dành đủ chỗ cho các lợi ích của Nhật Bản.
Các yêu sách thái quá và hành vi cưỡng ép mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông và biển Hoa Đông, rồi cách hành xử mang tính bắt nạt của Trung Quốc đối với Australia cũng như cách nước này xử lý vấn đề Hong Kong đã tiếp tục đẩy Nhật Bản tới chỗ lựa chọn cách tiếp cận tổng hợp nói trên. Cách tiếp cận này hướng tới nhiều khu vực trên thế giới để mở rộng quan hệ đối tác và làm giảm đà tiến ngoại giao của Trung Quốc, trong khi vẫn thúc đẩy mối quan hệ ổn định và hiệu quả với Trung Quốc.
Khôn khéo ngăn chặn Trung Quốc “làm mưa làm gió”
Sự suy yếu của Mỹ trên phương diện chính trị có thể đã kích thích giới ngoại giao và quân sự Trung Quốc thêm “cứng rắn” trong bảo vệ cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Nếu các quốc gia châu Á khác không thể hành động tập thể trước Trung Quốc thì sự áp đảo của nước này trong khu vực gần như được đảm bảo chắc chắn.
Ngoại giao của Nhật Bản chính là nhằm tránh kịch bản này. Khả năng của Nhật trong việc điều phối giữa nhiều đối tác trong và ngoài nước cùng các lợi ích liên quan là điều đặc biệt quan trọng.
Nhật Bản không thể chống Trung Quốc một cách thẳng thừng hoặc hiếu chiến. Vì Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và là một thị trường có giá trị cho đầu tư trực tiếp của họ. Hợp tác với Trung Quốc cũng sẽ giúp Nhật Bản xử lý các thách thức khu vực như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, tình trạng môi trường xấu đi, và việc quản lý khủng hoảng. Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu họ chỉ đơn giản gia nhập liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn dắt rồi trừng phạt các hãng của Trung Quốc và sỉ nhục các quan chức nước này.
Nhưng mặt khác, Nhật Bản cũng muốn cắt giảm khả năng của Trung Quốc sử dụng thị trường nội địa khổng lồ của họ để thu lợi về ngoại giao và kinh tế trong khi Nhật Bản bị thiệt hại. Nhật cũng cần bảo vệ tài sản trí tuệ cho các hãng của mình, và cạnh tranh hiệu quả trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi.
Nhật Bản đang hợp tác với Mỹ, châu Âu, và các bên khác để chuyển chuỗi cung ứng nhạy cảm khỏi Trung Quốc, thiết lập các tiêu chuẩn cao cho thương mại số và bảo vệ tính nguyên vẹn của dòng chảy dữ liệu dọc theo các cáp tín hiệu dưới đáy biển.
Nhật Bản cũng hướng tới việc cung cấp các khoản đầu tư thay thế cho các nước Đông Nam Á, thúc đẩy cải cách tại Tổ chức Thương mại Thế giới, và giới hạn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ cao của Nhật Bản.
Nhật đang tìm kiếm một trật tự khu vực và toàn cầu mở dựa trên các quy tắc được thực thi có thể dự đoán được thay vì trật tự theo kiểu “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Về mặt này, Tokyo sẽ tìm kiếm các đối tác quốc tế để chống lại Bắc Kinh.
Tổng thể, Nhật Bản sẽ cần duy trì nền ngoại giao tích cực và đa hướng của Thủ tướng Abe Shinzo bằng việc xây dựng hoặc hỗ trợ các liên minh hễ lúc nào có thể, trong khi tránh đối đầu với Trung Quốc. Mục tiêu sẽ là giúp các nước ở châu Á tránh sự cưỡng ép của Trung Quốc mà không phải ngả về bên nào trong các vấn đề chính trị nhạy cảm. Điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải mềm hóa hoạt động ngoại giao của mình.
Mỹ có thể sẽ vẫn là một nhân vật quan trọng và mang tính xây dựng trong nỗ lực này của Nhật Bản. Mỹ có thể phối hợp với ngoại giao ninja của Nhật Bản để bảo vệ nhiều lợi ích của hai nước./.
Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch
Nguồn: East Asia Forum