Một trong những cuộc xung đột lâu đời nhất tại khu vực Nagorno-Karabakh – vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan đã tái bùng phát với các cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất xảy ra trong nhiều năm qua.
Ít nhất 23 người đã thiệt mạng khi giao tranh giữa hai quốc gia từng thuộc liên bang Xô Viết xảy ra tại khu vực Nagorno-Karabakh. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm qua (27/9) cho biết, ông tin tưởng giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực.
Tình trạng thiết quân luật đã được ban bố trong bối cảnh bạo lực bùng phát tại một số khu vực ở Azerbaijan, Armenia và Nagorno-Karabakh.
Khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận thuộc về lãnh thổ Azerbaijan, nhưng lại có đa số cư dân là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước và dẫn đến cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Chiến sự đã tạm lắng sau khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994, nhưng điều đó vẫn chưa giúp giải quyết được vấn đề của vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra.
Trước đó vào tháng 7/2020, các cuộc đụng độ tại khu vực biên giới đã khiến ít nhất 16 người thiệt mạng, làm bùng phát cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm qua tại thủ đô Baku của Azerbaijan, yêu cầu chính phủ giành lại quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh.
Bất cứ làn sóng bạo lực nào tại khu vực này cũng có thể gây bất ổn cho thị trường dầu mỏ bởi vùng Nam Caucasus là hành lang cho việc vận chuyển dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Biển Caspian đến các thị trường thế giới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cam kết ủng hộ Azerbaijan, kêu gọi thế giới sát cánh cùng nước này trong "cuộc chiến chống xâm lược ". Còn Nga, vốn được coi là đồng minh của Armenia, đã kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và ngồi vào bàn đàm phán để ổn định tình hình./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo BBC