Tình huống tranh cử mới

Trong lịch sử nước Mỹ có không ít tổng thống đương nhiệm bị mắc bệnh nhưng không có ai lâm vào tình trạng ấy ngay trước ngày tranh cử như ông Trump hiện tại.

 

Bốn tuần trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ, tổng thống đương nhiệm và đồng thời là ứng cử viên tổng thống của phía Đảng Cộng hòa Donald Trump bị lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Một số cộng sự thân cận của người này cũng bị lây nhiễm Covid-19. Nhà Trắng trở thành một ổ dịch bệnh ở nước Mỹ. Bị lây nhiễm dịch bệnh mà chưa biết đến khi nào mới khỏi, ông Trump không thể vận động tranh cử như lâu nay được nữa mà phải thay đổi cả chiến lược lẫn sách lược.

Ở cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa ông Trump và ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden, ngày 29/9 vừa qua, ông Trump bị đánh giá chung là thua ông Biden nhiều hơn thắng. Thời gian 4 tuần tới đã trở nên quá ngắn để ông Trump có thể xoay chuyển tình thế trên phương diện phục hồi tăng trưởng kinh tế hay giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Việc ông Trump cùng vợ và một số cộng sự thân cận bị lây nhiễm Covid-19 làm cho chuyện dịch bệnh ở nước Mỹ thời sự trở lại mà như thế lại càng thêm bất lợi đối với ông Trump. Bởi chỉ riêng việc ông Trump cùng vợ bị lây nhiễm dịch bệnh và Nhà Trắng trở thành ổ dịch bệnh đã đủ để được coi là bằng chứng xác thực nhất và thuyết phục nhất về việc ông Trump cho tới nay đã không thành công với việc ứng phó dịch bệnh ở nước Mỹ. Cho tới ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ, thời gian còn quá ngắn để ông Trump có thể thuyết phục được cử tri Mỹ tin rằng bản thân mình có đủ năng lực dẫn dắt nước Mỹ ra khỏi dịch bệnh.

Hai cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và ông Biden tới chưa chắc đã được tiến hành bởi còn phụ thuộc vào tình hình điều trị bệnh của ông Trump. (Ảnh: KT)

Trong lịch sử nước Mỹ đến nay cũng đã có không ít tổng thống đương nhiệm bị mắc bệnh, bị tai nạn hay bị ám sát. Hồi đầu thế kỷ 20 đã có một tổng thống Mỹ đương nhiệm bị mắc bệnh dịch cúm Tây Ban Nha. Nhưng không có ai lâm vào tình trạng ấy ngay trước ngày bầu cử tổng thống quyết định họ có thể được cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa hay không như ông Trump hiện tại.

Đối với cả ông Trump lẫn ông Biden, hiện tại là tình huống vận động tranh cử hoàn toàn mới. Ông Trump bị buộc phải co về vận động tranh cử trực tuyến thì ông Biden và cộng sự lại tăng cường vận động tranh cử trực tiếp. Chủ đề nội dung dịch bệnh được hai người khai thác rất khác nhau. Bất chấp mọi khuyên ngăn của giới chuyên môn y tế, ông Trump rời bệnh viện quân sự trở về Nhà Trắng để biểu thị cho dân Mỹ thấy là dịch bệnh này hoàn toàn không nguy hiểm gì và bản thân mình rất mạnh khoẻ. Trong khi đó, ông Biden tập trung nhằm vào phơi bày thất bại của ông Trump trong việc ứng phó dịch bệnh ở nước Mỹ.

Với cách thức thể hiện và vận động tranh cử như thế, ông Trump tiếp tục tranh thủ được diện cử tri trung thành truyền thống của mình nhưng không hẳn có thể tranh thủ được các diện cử tri khác mà ông Trump cần để có thể chắc chắn được tái đắc cử. Ông Biden tận lợi được từ những điểm yếu của ông Trump nhưng lại không hẳn là ứng cử viên khiến đại đa số cử tri Mỹ thật sự tâm phục khẩu phục.

Nếu không tranh thủ được diện cử tri không muốn bầu ông Trump nhưng hiện chưa sẵn sàng bỏ phiếu cho mình nên sẽ không đi bỏ phiếu thì ông Biden cũng chưa thể chắc chắn sẽ thắng cử. Kết quả cuối cùng rất có thể là ông Trump lại thắng cử nhờ giành về được đa số đại cử tri mà không cần phải có được đa số phiếu bầu phổ thông. Hai cuộc tranh luận trực tiếp còn lại trên truyền hình giữa ông Trump và ông Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 15 và 22/10 tới chưa chắc đã được tiến hành bởi còn phụ thuộc vào tình hình điều trị bệnh của ông Trump. Trong tình huống tranh cử mới này, không tranh luận trực tiếp với nhau nữa sẽ giảm bớt được rủi ro lợi bất cập hại đối với cả hai. Nhưng nếu chúng vẫn được tiến hành mà ông Trump không thay đổi cách ứng xử thì càng khó có thể xoay chuyển được tình thế hiện tại./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận