Thách thức lớn nhất với Tổng thống kế nhiệm của Mỹ
Bất cứ khi nào có sự chuyển đổi quyền lực tại Washington, theo truyền thống, Tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ viết một bức thư cho người kế nhiệm, trong đó đưa ra những lời khuyên và chào mừng tổng thống mới lên nắm quyền trong giai đoạn tiếp theo.
Tổng thống George W. Bush từng cảnh báo ông Obama rằng "những người phê bình sẽ chỉ trích còn bạn bè dễ khiến ông thất vọng", trong khi ông Obama nhắc nhở Tổng thống Trump “duy trì trật tự quốc tế vốn đang được mở rộng một cách ổn định kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.
Theo CNN, đối với người sẽ làm chủ phòng Bầu Dục vào tháng 1/2021, dù đó là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay ứng cử viên Joe Biden thì lời khuyên sẽ là kêu gọi họ tập trung vào quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc – vốn gặp nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Có thể nói rằng thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ - người tuyên thệ nhậm chức năm 2021, không phải là hậu quả của cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan hay Iraq mà là một trật tự thế giới đa cực mới, nơi Mỹ không còn là siêu cường duy nhất.
Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, song song với đó, Bắc Kinh cũng nỗ lực mở rộng và xây dựng một lực lượng quân đội hùng hậu, đe dọa các lực lượng Mỹ và đồng minh tại nhiều điểm nóng tiềm năng trên thế giới. Giới quan sát đã cảnh báo nguy cơ hai nước có thể rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, thậm chí là xung đột trực diện hoặc chiến tranh ủy nhiệm.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã tung ra một loạt đòn áp thuế với hàng hóa Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang khi ông Trump nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh gây bùng phát dịch bệnh Covid-19 và hai bên đóng cửa các lãnh sự quán của nhau.
Theo CNN, Trung Quốc sẽ tìm cách thiết lập lại quan hệ với Mỹ vào tháng 1/2021, bất kể kết quả cuộc bầu cử như thế nào. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ không cảm thấy thoải mái khi trở thành chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận và khi phải chứng kiến thái độ cứng rắn ngày càng gia tăng trong lưỡng đảng Mỹ đối với họ.
Ryan Manuel chuyên gia nghiên cứu về giới lãnh đạo Trung Quốc nhận xét: “Hiện tại, Trung Quốc được cho là sẽ chờ đợi, giữ nguyên hiện trạng và chỉ đáp trả tương ứng với các động thái của Mỹ. Một khi cuộc bầu cử kết thúc, họ sẽ bắt đầu tái thiết quan hệ giữa hai nước”.
Trước đó, vào đầu tháng 10, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói rằng, Bắc Kinh “kiên quyết phản đối một cuộc chiến tranh Lạnh mới hoặc sự chia cắt”, đồng thời cam kết “mang lại sự phát triển lành mạnh và ổn định cho quan hệ Mỹ-Trung”.
“Quan hệ hai nước đang trải qua những thách thức nghiêm trọng mà chúng ta chưa từng chứng kiến trong 41 năm qua. Điều này đã gây tổn hại đến những lợi ích cơ bản của người dân Trung Quốc và người dân Mỹ”, ông Thôi Thiên Khải nói.
Rạn nứt quan hệ Mỹ-Trung, lỗi do ai?
Những rạn nứt lớn trong quan hệ hai bên không chỉ do lỗi của Washington mà còn do phía Bắc Kinh. Theo CNN, một phần nguyên nhân là ở chính sách đối ngoại cứng rắn và việc mở rộng các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng đến vị thế của Trung Quốc do những sai lầm của nước này trong đối phó dịch bệnh ở giai đoạn đầu. Song nó cũng giúp Bắc Kinh quảng bá rầm rộ các chiến dịch hỗ trợ y tế, trong đó phải kể đến việc cung cấp khẩu trang và trang thiết bị y tế cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề như Italy, Pháp, Tây Ban Nha.
Bất chấp dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại mới Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đứng vững, thậm chí phục hồi tốt hơn so với Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Cuộc sống của người dân gần như đã trở lại bình thường. Đây là minh chứng cho mô hình chính trị và quản lý kinh tế hiệu quả.
Jeff Moon, cựu quan chức ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc nhận xét: “Quan hệ Mỹ-Trung khó có khả năng quay trở lại như thời Tổng thống Obama bởi quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ngày càng gia tăng tại Mỹ”. Bên cạnh đó, “Trung Quốc đã đạt đến một mức độ chưa từng có trong thời kỳ “Ngoại giao Chiến lang”, ông Moon nói thêm.
Nick Marro, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), cũng cho rằng sự đổ vỡ trong quan hệ là do cả hai bên.
“Trung Quốc đang cố gắng giữ cho mối quan hệ không trở nên xấu đi, nhưng họ không đặt nền móng để quan hệ này trở nên tốt đẹp hơn. Mâu thuẫn song phương hiện nay đã vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại, động chạm đến các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong, và Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đặt ra “lằn ranh đỏ” của họ và bất kỳ sự nhượng bộ nào trong chính sách cũng bị coi là yếu đuối trước sức ép của phương Tây”.
Chính sách của Joe Biden với Trung Quốc
Hầu hết các nhà quan sát đánh giá, nếu Joe Biden trở thành tổng thống thì nhân vật này sẽ theo đuổi chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc, dù ông cũng có sự hoài nghi giống Tổng thống Trump.
“Trái ngược với chính sách khó đoán của ông Trump đối với Bắc Kinh, Joe Biden sẽ theo đuổi cách tiếp cận truyền thống, dựa vào các cơ quan liên quan và các đồng minh truyền thống của Mỹ, để xem xét và cân nhắc khi đưa ra quyết định liên quan đến những vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung. Cách tiếp cận đó sẽ giúp tạo ra một mô hình dễ dự đoán hơn trong quan hệ song phương, mang lại sự ổn định và tránh khả năng gây hiểu lầm khiến xung đột leo thang”, ông Jeff Moon nói.
Tuy nhiên nhà phân tích này nhận định, các vấn đề sâu sắc hơn giữa hai nước có thể chưa giải quyết được.
“Sau nhiều thập kỷ đối thoại và hợp tác về toàn bộ các vấn đề song phương, Trung Quốc đã liên tục từ chối thay đổi chính sách để giải quyết những quan ngại của Mỹ. Do đó, công thức tái thiết quan hệ mà Trung Quốc đưa ra có thể không được Mỹ chấp nhận”, ông Jeff Moon nhấn mạnh.
Chuyên gia Manuel cũng đồng ý rằng, việc thiết lập lại quan hệ giữa hai bên rất khó xảy ra vì cả Bắc Kinh và có thể là chính quyền Joe Biden đều có những mong muốn khác nhau.
Việc quay trở lại cách tiếp cận mềm mỏng với Trung Quốc như thời cựu Tổng thống Bill Clinton cũng được đánh giá là khó có khả năng, do sự phản đối Trung Quốc bên trong lưỡng đảng Mỹ ngày càng gia tăng.
Trong 4 năm cầm quyền, Tổng thống Trump đã liên tục thay đổi thái độ với Trung Quốc. Một mặt ông khen ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như sự tiến bộ trong thỏa thuận thương mại giữa hai nước, mặt khác ông lại coi Trung Quốc là đối thủ số 1 của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho tất cả những rắc rối lớn trên thế giới. Điều này phản ánh sự chia rẽ trong chính quyền của ông, giữa phe ôn hòa - những người coi quan hệ với Trung Quốc phần lớn là vì lợi ích kinh tế - và phe cứng rắn kịch liệt phản đối cách hành xử của Bắc Kinh, mà đứng đầu là Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Nhiều người từng hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ được hàn gắn khi Tổng thống Trump tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng nhà phân tích Nick Marro của EIU cho rằng, không nên giả định điều này sẽ xảy ra.
“Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, ông ấy sẽ không còn bị ràng buộc bởi sự gò bó về chính trị trong nhiệm kỳ thứ 2. Ông ấy thậm chí còn áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn đối với Trung Quốc, chẳng hạn như ban hành lệnh cấm đầu tư hoặc ngăn các giao dịch tài chính giữa các công ty của Mỹ và Trung Quốc. Điều đó sẽ khiến nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc bị thiệt hại, chưa kể còn gây ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu".
Dù ông Trump hay ông Biden đắc cử thì Trung Quốc vẫn mong muốn xây dựng một mối quan hệ ổn định. Tuy nhiên 4 năm qua, những gì hai bên chứng kiến chỉ là sự đổ vỡ và rạn nứt rất khó hàn gắn./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN