'Tiếp lửa' hay 'chuyển lửa'?

Còn 2 tháng nữa giải Bóng đá vô địch Quốc gia năm 2021 (V.League 2021) chính thức khởi tranh.

 

Từ lúc này, 14 tập thể ưu tú nhất của làng bóng quốc nội sẽ phải thích nghi với quy chế mới từ Ban tổ chức - những đổi thay mà theo các nhà làm giải là nhằm “tiếp lửa” cho cuộc đua tới ngôi vô địch!

Cần phải nhắc lại thực tế, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 khiến V.League 2020 liên tục phải bấm lệnh “dừng”; quỹ thời gian tổ chức giải liên tục phải thu hẹp nên cực chẳng đã, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mới phải đổi thể thức, từ đá 2 lượt (đi - về) sang phân nhóm sau giai đoạn 1. Điều ít ai ngờ là giải pháp mang tính tình thế này lại phát huy hiệu quả không ngờ. Với 6 đội thuộc nhóm “trốn xuống hạng”, giai đoạn 2 của V.League 2020 sôi động, cạnh tranh đến bất ngờ - phải đến khi “tấm màn nhung” khép lại thì tấm vé xuống hạng mới có chủ (Quảng Nam FC).

Song, bên cạnh đó, nếu như ở “nhóm dưới”, “lửa” to bao nhiêu thì ở nhóm trên lại… đìu hiu, “nguội” bấy nhiêu. Cuộc đua đến ngôi “vua” tại V.League 2020 có tới 8 gương mặt, trong số này lại quá nửa số đội sớm “vỡ mộng quân vương” nên ở những lượt trận cuối, không ít tập thể nhập cuộc trong tư thế bàng quan, vô cảm, thiếu động lực - khát vọng. Chính bởi điều này nên đa số khán giả đều có chung nhận định: Điểm nhấn của V.League 2020 nằm ở suất xuống hạng!

Để khắc phục, VPF quyết định “tiếp lửa” cho cuộc đua tới ngôi vô địch V.League 2021. Theo đó, lượng đội bóng cạnh tranh chức vô địch sẽ giảm từ 8 xuống 6 đội ở giai đoạn 2. Chỉ với 6 đội có cơ hội đăng quang, chắc chắn sẽ hạn chế tối đa số lượng những tập thể “tranh huy chương thì không có cửa nhưng xuống hạng cũng chẳng đến lượt”.

Ở V.League 2020 chỉ có 6 tập thể nên mới gay cấn, cạnh tranh đến phút chót.

Ấy thế nhưng, “tiếp lửa” cho nhóm trên cũng đồng nghĩa với “rút củi” ở nhóm dưới. Như đã phân tích, chính vì cuộc đua tránh xuống hạng ở V.League 2020 chỉ có 6 tập thể nên mới gay cấn, cạnh tranh đến phút chót.

Ở mùa bóng sang năm, khi số đội bóng rơi vào nhóm 2 tăng lên 8 thành viên, đồng nghĩa lượng tập thể sớm tìm được vị trí “an toàn” cũng tỉ lệ thuận, bất chấp số đội xuống hạng từ 1 lên 1,5 (đội áp chót sẽ đá play-off với đội xếp thứ hai giải hạng Nhất). Điều này cho thấy, việc Ban tổ chức hoán đổi hai con số: 6-8 ở hai nhóm không hoàn toàn mang ý nghĩa “tiếp lửa” mà thực chất là “chuyển lửa” từ nhóm dưới (tại V.League 2020) lên nhóm trên (ở mùa giải 2021).

 

Đây chính là vấn đề đáng để ưu tư! Lịch sử giải chuyên nghiệp nhiều năm qua đã chứng minh, ở V.League, không phải đội bóng nào cũng đủ tiềm lực, tham vọng ganh đua chức vô địch. Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên câu chuyện “ngỡ như đùa” từng xảy ra ở hậu trường “đội bóng đất cảng” vài năm trước. Mùa giải ấy, CLB Hải Phòng liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu. Vậy nhưng, trao đổi với báo giới về quyết tâm và cơ hội đăng quang, lãnh đạo đội bóng lại khiến tất cả sửng sốt qua phát biểu: Chờ chỉ thị của lãnh đạo tỉnh, nếu “đèn xanh” được bật thì mới nhắm đến vị trí cao nhất.

Điều tưởng như nghịch lý này sau đó được chính cựu huấn luyện viên trưởng Trương Việt Hoàng “bật mí”, đại ý: Vô địch V.League sẽ phải tốn thêm rất nhiều chi phí tham dự giải châu lục, sửa sang - nâng cấp hạ tầng CLB… nên nếu lãnh đạo không đồng ý thì đội nhà “không dám đua vô địch”.

Bên cạnh đó, với đa số CLB, xuống hạng mới là “cơn ác mộng” mà ai cũng muốn tránh. Chẳng phải thế sao khi các nghi án “mua điểm”, “đánh hội đồng” luôn được nhắm vào 1, 2 CLB có điểm số thấp nhất. Không ít tập thể sau khi “rơi” xuống giải hạng Nhất đã giải thể.

Vì lẽ đó, xét một cách toàn diện, việc BTC tiếp tục duy trì thể thức phân nhóm ở mùa bóng sang năm là giải pháp cần thiết và đúng đắn; nhưng việc rút nhóm 1 xuống 6 tập thể, tăng nhóm 2 lên 8 CLB chưa biết chừng sẽ “lợi bất cập hại”!

Thanh Hà

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận