Nhà cầm quân người Hàn Quốc thống kê: Giải có 47 cầu thủ ngoại và 70% đá tiền đạo. Vậy thì tìm đâu ra tiền đạo trong nước, đặc biệt là cầu thủ trẻ; đồng thời kiến nghị: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nên xây dựng cơ chế cho cầu thủ U21 vào sân thi đấu V.League.
Cần phải thấy rằng, đây không phải lần đầu tiên vị chiến lược gia đến từ xứ kim chi trăn trở với thực trạng này. Nửa năm trước, ở đợt tập trung đội tuyển U22 Việt Nam trong chiến dịch “săn vàng” SEA Games 31, câu chuyện “đói tiền đạo” đã được “thày Park” công khai trước bàn dân thiên hạ, đại ý: tuyến trẻ Việt Nam “đông” nhưng không “tinh”, tuyệt đại đa số cầu thủ đều chưa đủ “chín” để có thể đảm đương một vị trí chính thức. HLV Park Hang Seo cũng ấp ủ ý định tổ chức một buổi nói chuyện với các tập thể đang tham dự hai giải đấu cao nhất quốc nội (V.League và giải hạng Nhất), hy vọng lãnh đạo 28 đội bóng sẽ vì “chiến lược”, “tầm nhìn”, “lợi ích chung” mà trao cho cầu thủ trẻ nhiều hơn cơ hội ra sân, từ đó “chín” nhanh hơn.
Buổi nói chuyện ấy, vì vướng dịch bệnh Covid-19, và quan trọng hơn là không dễ để gặp đầy đủ lãnh đạo 28 CLB nên chưa thể diễn ra. Cũng có nghĩa vị “giáo đầu” của U22 Việt Nam vẫn chưa tỏ tường quan điểm từ các ông bầu!
Rồi thì lãnh đạo 1/28 đội bóng cũng đã lên tiếng - chính là phản hồi lời kêu gọi (tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ) của HLV Park Hang Seo (ngày 27/12/2020 như đã đề cập). Trợ lý Nguyễn Thanh Sơn của CLB Bình Dương thẳng thắn bày tỏ: Điều HLV Park Hang Seo nói không hợp lý vì tất cả các câu lạc bộ phải đầu tư nhiều tiền của nhằm mục đích trụ hạng.
Trên lý thuyết, đấy mới chỉ là quan điểm của đại diện “đội bóng đất Thủ”, nhưng chúng tôi tin rằng, sẽ có nhiều (thậm chí rất nhiều) lãnh đạo đội đang vận hành đội bóng theo chiến lược này - tức chỉ chú trọng tới thành tích đội nhà, còn Đội tuyển quốc gia thì… không quan tâm.
Nghịch lý này không khó lý giải bởi trong nhãn quan, sách lược điều hành của các ông bầu, thành tích của CLB tại sân chơi V.League mới là quan trọng nhất. Nó ảnh hưởng tới lượng cổ động viên trên khán đài, số tiền thu về từ các nhà tài trợ; thậm chí, với một số CLB, nếu không giành vé trụ hạng thì đội bóng hoàn toàn có thể bị giải thể. Vì vậy, họ không dám mạo hiểm với thứ hạng của đội nhà, không dám “đánh cược” với các cầu thủ trẻ.
Và quan trọng hơn, trong cương vị HLV trưởng đội bóng đá U23 quốc gia, ông Park Hang Seo không có thực quyền và không thể… ép các CLB phải đưa cầu thủ trẻ vào sân. Kể cả khi có sự hậu thuẫn, “bật đèn xanh” từ phía VFF thì các quan chức bóng đá nước nhà không thể bắt bẻ hay áp dụng một hình phạt cụ thể (bởi CLB không làm sai quy định).
Nói cách khác, với diễn biến hiện tại, nếu không có một quyết sách mang tính đột phá thì sách lược “trẻ hóa” các đội tuyển sẽ không thể được khắc phục. Bất chấp lời kêu gọi của HLV trưởng Park Hang Seo, các CLB vẫn coi thành tích đội tuyển Quốc gia là việc của VFF!
Thanh Hà