Trên nền gạch của ngôi nhà cũ nằm ở phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, lớp học khiêu vũ thể thao miễn phí vang lên những giai điệu trầm bổng vào mỗi sáng thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Đứng lớp là HLV dance sport cấp quốc gia Tô Văn Hòa.
Thầy Hòa, như cách gọi của hàng chục học viên khiếm thị nơi đây, sinh năm 1984, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm thi đấu trong nước và quốc tế. Năm 2018, thầy Hòa đồng ý dạy khiêu vũ cho các thành viên trong CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội từ lời mời của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn (Trung tâm REACH).
Khi dự án của REACH kết thúc, lớp học hết kinh phí duy trì, thầy Hòa vẫn nhiệt tình đứng lớp và không thu học phí. Khóa học 20 buổi do REACH tài trợ kết thúc, nhưng các bạn khiếm thị mong muốn được tập tiếp. Vì thế, anh quyết định dạy miễn phí cho họ. HLV Tô Văn Hòa chia sẻ, việc không thu học phí có ảnh hưởng tới kinh tế, nhưng anh cho rằng: “Thay vì ngồi trà đá hay đi dạo loanh quanh thì tôi dành thời gian làm những việc được mọi người chào đón một cách nghiêm túc”…
3 năm dạy học, thầy Hòa cảm nhận được mơ ước của học viên được trình diễn trên sân khấu. Và ước mơ đó đã thành hiện thực vào ngày 4/4 vừa qua, tất cả các học viên được cháy hết mình với đam mê trong cuộc thi "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách" - cuộc thi dance sport đầu tiên dành cho người khiếm thị.
Chị Chu Thị Thu Hà, 45 tuổi, đang làm việc tại Hội Người mù TP Hà Nội, giành 2 HCV, 2 HCĐ ở 2 thể loại là Latin và đường phố, chia sẻ: “Dạy khiêu vũ cho người khiếm thị vất vả hơn những người bình thường. Thầy làm mẫu học viên không nhìn được, nên phải hướng dẫn từng người một, từ việc lắc hông ra sao, bước chân như thế nào… Dù vất vả nhưng thầy dạy rất nhiệt tình. Hôm nào dạy kéo dài 1,5 tiếng thì thầy gần như là khản tiếng”.
Dương Thị Khánh Linh, nữ sinh khiếm thị 20 tuổi giành HCĐ đôi và HCV đồng diễn ở điệu nhảy bachata, kể lại: “Thầy Hòa là động lực để em cố gắng. Ngoài giờ học trên lớp, em còn về tự tìm hiểu. Có chỗ nào không hiểu, em gọi điện hỏi đều được thầy giải đáp tận tình”.
Ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, toàn bộ hoạt động đào tạo rồi tổ chức cuộc thi này là do thầy Hòa phụ trách. Kinh phí tổ chức cuộc thi xấp xỉ 300 triệu đồng do thầy Hòa đóng góp và vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ.
HLV Tô Văn Hòa chia sẻ, anh dạy miễn phí là vì yêu bộ môn khiêu vũ và cũng yêu những con người đầy nghị lực. Chính những học viên đã truyền động lực để anh tiếp tục công việc. “Tôi mong muốn ở kỳ Para Games tới tổ chức ở Việt Nam, cả đội sẽ được biểu diễn cho các đội thể thao người khuyết tật xem. Mong muốn lớn hơn là dance sport khiếm thị được đề cử vào nội dung thi đấu chính thức của Para Games” - HLV Tô Văn Hòa bày tỏ.
Để dance sport khiếm thị trở thành môn chính thức trong các cuộc thi đấu thể thao trong nước và quốc tế, chặng đường còn dài, nhưng theo HLV Tô Văn Hòa, có một điều chắn chắn là “CLB sẽ ngày càng đoàn kết, sẵn sàng chào đón những thành viên mới, trở thành một cộng đồng sống vì nhau, sống thật ý nghĩa!”.