Lấy lý do “phòng tránh dịch bệnh Covid - 19”, ông Park Hang Seo đã hủy thông lệ cho phép phóng viên tác nghiệp trong khoảng 15-20 phút trước buổi tập
Việc “tập kín” dưới thời thầy Park không phải chưa có tiền lệ. 2 năm trước, để chuẩn bị cho chiến dịch “săn vàng” tại SEA Games 30, nhà cầm quân đến từ xứ kim chi cũng yêu cầu tất cả ký giả di chuyển khỏi thảm cỏ khi bài tập chính thức bắt đầu. Ở khía cạnh khác, dưới “triều đại” Park Hang Seo, hơn một lần hậu trường đội tuyển Việt Nam đã xảy ra tình trạng “trong nhà chưa tỏ - ngoài ngõ đã tường”: Danh sách cầu thủ được triệu tập mới chỉ là “dự kiến” nhưng chỉ vài tiếng sau đã đồng loạt xuất hiện trên các trang tin điện tử. Vì lẽ đó, việc ông Park Hang Seo lấy lý do “đề phòng dịch bệnh” đồng thời cũng để “đề phòng báo giới” là có căn cứ và có thể hiểu được.
Nhưng quan trọng hơn, việc thầy trò HLV Park Hang Seo “cửa đóng then cài” còn có tác dụng, ý nghĩa khác. Ngày còn dẫn dắt “đội bóng áo đỏ có ngôi sao vàng nơi ngực trái”, cựu HLV trưởng Toshiya Miura đã hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa học trò với truyền thông. Thậm chí nhà cầm quân người Nhật Bản còn đề nghị và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ban hành văn bản yêu cầu báo giới, cầu thủ phải tuyệt đối chấp hành chủ trương này.
Đáp án cho hành động này chính là phát ngôn của một cựu HLV trưởng đội tuyển khác - ông A.Riedl. Hơn một thập kỷ trước, khi yêu cầu những người làm công tác đưa tin đứng cách xa sân tập tối thiểu 100m, vị chiến lược gia người Áo đã bày tỏ, đại ý: Những gì HLV trao đổi với học trò, người ngoài không được biết và không cần phải tỏ tường. Ông Riedl e ngại các vấn đề về nhân sự, chiến thuật nếu lộ ra quá sớm sẽ dễ bị đối phương khắc chế, “bắt bài”.
Thực tế sân cỏ đã chứng minh, trong vai trò xây dựng chiến thuật, lối chơi, các HLV là người hiểu rõ nhất tác dụng của việc tìm kiếm thông tin đối thủ trước giờ bóng lăn cũng như hậu quả của việc chuyên môn Đội tuyển bị đối thủ khai thác. Chính vì thế mà cách đây gần hai thập kỷ, trước thềm Tiger Cup 2002 (tiền thân của AFF Suzuki Cup sau này), HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam lúc đó là ông Calisto đã giao hẳn cho vị cố vấn người Đức (ông Rainer) nhiệm vụ tìm kiếm thông tin đội bạn. Và cách đây chỉ chừng chục ngày, ở cấp câu lạc bộ, nhà cựu vô địch giải chuyên nghiệp Quốc gia - Hà Nội FC đã khiến cả làng cầu sửng sốt khi bổ nhiệm một chuyên gia nước ngoài là ông Kim Tae-ho vào cương vị phân tích thi đấu, chuyên phân tích nhân sự, sơ đồ chiến thuật của đối thủ.
Có thể khẳng định, tác dụng của việc bảo mật thông tin là điều không phải bàn cãi. Khi những chuyển động trên sân tập được giữ kín, HLV trưởng có thể yên tâm không sợ lộ chiến thuật, cầu thủ cũng có được sự tập trung cần thiết. Vì lẽ đó, cũng tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, HLV đội tuyển Thái Lan cũng yêu cầu Liên đoàn Bóng đá nước này giữ kín mọi thông tin liên quan đến chiến thuật, nhân sự đội bóng xứ Chùa Vàng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, từ Riedl, Calisto đến Toshiya Miura, Park Hang - Seo, từ thảm cỏ quốc nội đến sân tập của các đội tuyển quốc gia khác, việc bảo mật thông tin đã được các nhà chuyên môn chung quan điểm, xem là điều kiện cần phải áp dụng.
Điều này giải thích vì sao chủ trương của “thầy Park” đã được giới ký giả vui vẻ chấp hành bởi việc nhân sự, lối chơi của đội tuyển được bảo mật sẽ làm tăng tính hấp dẫn khi giải đấu chính thức khởi tranh và quan trọng hơn, nó cho thấy sự đúng đắn, tính chuyên nghiệp./.