Ngay trên sân thượng của Mái ấm Thiên Ân, quận Tân Phú, TP HCM, võ sư Aikido Nguyễn Thị Thanh Loan trong bộ võ phục trắng, chỉn chu và kiên nhẫn hướng dẫn từng động tác cho hơn 20 em khiếm thị. Tuy phải giải thích cặn kẽ, mô tả kỹ càng và phải nói đi nói lại, nhưng điều đó không gây khó cho võ sư Thanh Loan, bởi bà đã làm điều này từ năm 2005, khi được ngành thể thao TP.HCM giao đảm trách môn Aikido cho 1 lớp học gần 20 em khiếm thị. Từ đó đến nay, những lớp học đặc biệt được duy trì đều đặn, giúp các em khiếm thị lạc quan và học được cách kết nối với mọi người.
Võ sư Thanh Loan và chồng - võ sư Aikido Đặng Văn Phát - là những người thầy đầu tiên dám nhận các học trò bị thiểu năng trí tuệ. Võ sư Thanh Loan cũng chính là một trong hai phụ nữ Việt Nam đầu tiên được phong đai đen quốc tế nhất đẳng do đích thân vị sáng tổ môn phái Aikido - võ sư Morihei Ueyshiba phong vào năm 1967, khi bà mới 20 tuổi. Đến giờ, vợ chồng bà đều đã có đai đen 6 đẳng môn Aikido. Hiện, võ sư Thanh Loan là HLV trưởng bộ môn Aikido tại Trung tâm Thể thao quận 3. Căn phòng tập tại quận 3 cũng là nơi luyện võ của các học viên thiểu năng trí tuệ, những em mà ngay cả việc phục vụ các nhu cầu cá nhân đã khó, huống chi là học võ. Thế nhưng, bằng tình thương yêu, võ sư Thanh Loan đã tìm tòi phương pháp để dạy sao cho có hiệu quả. “Mỗi em là một giáo án, không thể nào dạy như nhau được, nhất là các em bị bệnh down. Bệnh down thì có em nói được, có em không. Cô vừa nói dứt thì trò cũng quên ngay. Vì thế mình phải thực sự kiên nhẫn, dạy từng động tác cho đến khi các em làm được, rồi phải lặp đi lặp lại cho các em khỏi quên. Mình phải thực sự hiểu các em, thâm nhập vào thế giới nội tâm của các em mới có thể truyền đạt những gì mình muốn cho các em. Điều đó rất khó khăn. HLV không có sự kiên trì thì không thể nào đi cùng các em được.” - võ sư Thanh Loan bày tỏ.
Gắn bó với trẻ khuyết tật, võ sư Thanh Loan nhận thấy các em chỉ học võ vẫn chưa đủ, nhiều em có gia đình khó khăn nên chưa được học văn hóa. Năm 2014, bà đăng ký một căn phòng nhỏ tại Nhà thiếu nhi để mở lớp dạy tiếng Việt, Toán, tiếng Anh, đặt cho lớp học cái tên “Aikido thế giới là yêu thương” và dạy hoàn toàn miễn phí. Võ sư Thanh Loan tin rằng, võ thuật cũng như các môn văn hóa, kiến thức chính là chìa khóa tự tin, đem đến cho các em sức khỏe, niềm vui để mở ra cánh cửa giúp các em hòa nhập cộng đồng, hướng tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Sau 15 năm, võ sư Thanh Loan không thể nhớ hết bao nhiêu học trò khuyết tật đã học lớp của mình. Trong số đó có thể kể đến Mặc Đăng Mừng, vốn bị bệnh down, 7 tuổi mới chập chững biết đi và nói bập bẹ. Sau khi đến với lớp học của bà, Đăng Mừng tiến bộ từng ngày, đạt chứng chỉ tin học, vào đại học, nói tiếng Anh tốt và biết đàn, hát. Hoặc như trường hợp của Bùi Tất Thành, vốn bị thiếu năng trí tuệ, dưới bàn tay rèn giũa của nữ võ sư già, Tất Thành đã ngày càng mạnh mẽ và hiện có nhiều bằng cấp về võ thuật. Hay Nguyễn Phước Linh, bị khiếm thị bẩm sinh, đến với lớp của võ sư Thanh Loan giờ đã đạt tứ đẳng huyền đai võ Aikido, phụ trách dạy môn võ cho trẻ khiếm thị ở Thủ Đức.
“Khi mình sẻ chia thì hạnh phúc sẽ nhân đôi. Cho nên tôi có thông điệp muốn gửi tới mọi người, đó là hãy giúp các em có sân chơi bổ ích, hòa nhập cộng đồng như những đứa trẻ bình thường khác. Đừng vì bệnh tật mà bỏ quên các em, vì nghĩ rằng các em không thể làm được việc gì hết. Tất cả chúng ta chung sức thì điều đó sẽ thực hiện được”- võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan bày tỏ.
Nguyện vọng của võ sư Thanh Loan là mở thêm được nhiều lớp võ thuật, kết hợp dạy kiến thức văn hóa và đào tạo kỹ năng sống để giúp các em ổn định cuộc sống. Bởi, như bà tâm niệm: “Tôi dành toàn bộ cuộc đời mình cho Aikido, môn võ thuật của tình yêu thương, môn võ coi sự hài hòa là tinh thần chính yếu. Trong cuộc sống, nếu tất cả mọi người mỉm cười, thế giới sẽ bớt khổ đau!”./.