VAR từng được thử nghiệm từ cách đây 3 năm - tại World Cup 2018 và liên tục được đưa vào sử dụng tại nhiều giải bóng đá các cấp (như Champion League, Asian Cup 2019 - sân chơi mà Việt Nam lọt vào Top 8 đội mạnh nhất).
Với những ưu thế vượt trội của công nghệ so với các vị “vua áo đen” người trần mắt thịt, không ngạc nhiên khi Euro năm nay, VAR tiếp tục được sử dụng trên khắp các sân cỏ châu Âu.
Hiệu quả từ VAR lập tức được chứng minh, trong trận thư hùng Bồ Đào Nha - Pháp tại “bảng tử thần”, ở phút thứ 46, khi Karim Benzema đón đường chuyền từ đồng đội rồi sút tung lưới nhà đương kim vô địch. Mặc dù cờ báo việt vị đã căng lên nhưng chưa đầy nửa phút sau, tín hiệu của trợ lý VAR đã truyền đến trọng tài chính và bàn thắng được công nhận cho Les Blues.
Nhờ sự nhanh nhạy, chính xác của công nghệ mà giải vô địch bóng đá châu Âu năm nay, số lượng các tình huống penalty tăng lên đáng kể. Chỉ riêng vòng bảng đã có tới 14 lần trọng tài chỉ tay vào chấm phạt đền so với tổng số 13 diễn biến tương tự tại 3 kỳ Euro trước đó. Đáng nói hơn, hơn 1/3 tình huống 11m (5/14) được quyết định sau khi người điều khiển trận đấu nhận thông tin từ trọng tài VAR.
Không còn nghi ngờ gì nữa, thế mạnh của công nghệ đã giúp hầu hết các trận bóng tại ngày hội bóng đá châu Âu mãn cuộc trong sự công bằng, minh bạch. Người ta đã không còn phải nghe những điều tiếng phàn nàn, tiếc nuối, đại để như: “Giá mà trọng tài chính xác hơn” bởi sau hơn 40 trận đấu (vòng bảng và vòng 1/8), chưa có vị “vua sân cỏ” nào bị biến thành “con dê thế tội”.
Những nhà điều hành giải đấu cao nhất quốc nội sớm nhận thấy ưu điểm từ VAR nên 2 năm trước, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú đã quyết định thí điểm VAR tại giải chuyên nghiệp trong niềm hy vọng V.League sẽ bớt “sóng gió” vì tiếng còi của những người được giao nhiệm vụ “cầm cân nảy mực”.
Thế nhưng, diễn biến sân chơi “sang nhất làng” đã chứng minh: Công nghệ chỉ có tác dụng với các tình huống gây tranh cãi “bề nổi” chứ không thể giải quyết được yếu kém mang tính căn nguyên từ công tác trọng tài V.League. Chẳng phải thế sao khi mà vòng 24 V.League 2019, bốn phía cầu trường đã dậy sóng bởi quyết định “bẻ còi” tai tiếng của trọng tài FIFA Trương Hồng Vũ, bất chấp việc trọng tài Vũ có sự hỗ trợ từ VAR.
Hẳn chúng ta vẫn chưa quên tình huống ấy - ở phút bù giờ thứ nhất (trận Viettel - Bình Dương), khi tỉ số đang là 2-1 nghiêng về đội chủ nhà; từ pha tranh chấp ở khu vực giữa sân, trung vệ Bùi Tiến Dũng bị Hồ Sỹ Giáp phạm lỗi, sau đó Tiến Dũng cũng để tay chạm bóng. Trọng tài Vũ quyết định cho Bình Dương hưởng quả đá phạt. Sau quyết định này, cầu thủ Bình Dương lập tức triển khai tấn công và san bằng tỉ số 2-2 cho đội khách. Bàn thắng được công nhận nhưng chỉ ít giây sau, ông Vũ lại “bẻ còi” vì cho rằng Bùi Tiến Dũng đã bị phạm lỗi trước đó.
Chứng kiến sự non kém về năng lực của vị Trọng tài được công nhận “đạt cấp độ FIFA”, Trưởng ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền ngao ngán thốt lên: Nếu quyết định cho Bình Dương hưởng quả đá phạt thì cầu thủ của họ ghi bàn đương nhiên là hợp lệ. Tại sao bóng vào lưới rồi mới thay đổi quyết định? Đây không chỉ sai, mà là sai lầm cực kì nghiêm trọng về chuyên môn!.
Càng đáng nói hơn, trong bối cảnh câu lạc bộ Viettel rất cần điểm để trụ hạng nên không ít khán giả, từ “lỗi nhận định” của trọng tài Vũ đã quy cho ông về “lỗi tư tưởng”.
Thực tế ấy cho thấy, dẫu V.League có sự hỗ trợ rất tích cực từ công nghệ thì cũng chẳng thể đảm bảo VAR sẽ đưa một số trận đấu “về đích an toàn”, nhất là với thực trạng trọng tài V.League hiện tại: Vẫn còn “non” về chuyên môn và bị định kiến về “tư tưởng”.
Bởi lẽ những hạn chế, tồn tại này thì chẳng công nghệ hay máy móc nào có thể hỗ trợ hay làm thay được./.