Nửa hành trình Olympic 2020 Tokyo: Cùng nhau và đừng bao giờ bỏ cuộc!

Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 đã qua nửa hành trình và những cuộc tranh tài vẫn vẹn nguyên giá trị cao hơn - xa hơn - mạnh hơn.

 

Hơn thế nữa, khi đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh không lùi bước trước đại dịch Covid-19, cũng là minh chứng cho tinh thần Olympic cao cả, hãy cùng nhau và đừng bao giờ bỏ cuộc!

Kiểm soát gắt gao nhưng “bong bóng” vẫn thủng…

Có khoảng 18.000 HLV, VĐV, quan chức từ 206 đoàn thể thao tham dự Olympic Tokyo. Đối lập với đó là con số 0 tròn trĩnh về số lượng khán giả tại thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận là Chiba, Saitama và Kanagawa. Đây là điều không thể khác bởi tình trạng khẩn cấp đang được ban bố ở Tokyo trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thậm chí, cơ quan y tế còn tính toán số ca mắc mới ở thủ đô của Nhật Bản có thể đạt 2.598 ca/ngày vào đầu tháng 8.

Đương nhiên, những thành viên tham dự kỳ Thế vận hội mùa hè này phải tuân thủ những quy định vô cùng chặt chẽ, gồm việc xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày, cùng cơ chế “bong bóng” khép kín từ Làng Olympic cho tới các địa điểm tập luyện, thi đấu. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khẳng định, Olympic Tokyo là “sự kiện thể thao được kiểm soát gắt gao nhất trên thế giới từ trước tới nay”.

Đoàn Việt Nam tham dự Thế vận hội đã là một nỗ lực.

Dù vậy, “bong bóng” vẫn bị thủng. Tính từ ngày 1/7, tổng số ca mắc trong Làng Olympic đã vượt mốc 150, trong đó có gần 20 vận động viên. Để thích nghi với tình trạng “bình thường mới” này, ngày 26/7, Ban Tổ chức thông báo các vận động viên có dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn có thể thi đấu nếu họ đáp ứng một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như không có bất cứ triệu chứng nào và hoàn thành cách ly 10 ngày, hoặc nếu hoàn thành cách ly 6 ngày và có kết quả âm tính trong 2 lần xét nghiệm cách nhau 1 ngày. Trước đó, 2 tuyển thủ của đội bóng đá nam Nam Phi có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 18/07, phải vắng mặt trong trận đấu đầu tiên của Nam Phi gặp Nhật Bản hôm 22/7. Tuy nhiên, họ đã có mặt trong trận đấu với Pháp vào ngày 25/7.

Sự an toàn cũng là tấm huy chương

Đã có không ít người dân Tokyo biểu tình phản đối kỳ Olympic này, đã có những lo ngại về một sự kiện “siêu lây nhiễm”. Nhưng, nói như người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus, Thế vận hội vẫn được tổ chức để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được, với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. “Thế vận hội có sức mạnh để mang cả thế giới lại với nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể. Cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một bình minh mới cho một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và công bằng hơn" - ông Tedros nói.

Gần 2 năm gian nan không được thi đấu quốc tế, chủ yếu tập “chay” trong điều kiện thiếu thốn, việc 18 VĐV giành vé dự Olympic đã nằm ngoài mong đợi.

Hơn 1 thế kỷ qua, Olympic vẫn luôn khẳng định được những mục tiêu tốt đẹp, đó là góp phần xây dựng một thế giới hoà bình, hữu nghị, đoàn kết và công bằng, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo giữa các nước trên thế giới. Hãy nhìn lại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 để cảm nhận thông điệp vô cùng ý nghĩa. Ngọn đuốc Olympic lần lượt được truyền qua tay của các vận động viên, rồi đến bác sĩ và y tá đại diện cho những "chiến sĩ áo trắng" trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch bệnh, vận động viên người khuyết tật đại diện cho sự chiến thắng nghịch cảnh và các học sinh của Miyagi, Iwate và Fukushima - ba địa phương ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản bị tàn phá nặng nề nhất trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.

“Nhiều người đang mất đi ý chí chiến đấu và quyết định rời bỏ sự kiện này. Nhưng chúng tôi muốn nói với họ rằng, hãy suy nghĩ nhiều hơn nữa về phía trước. Chúng ta có thể đưa ra ý tưởng để mọi thứ trở lại trạng thái bình thường. Chúng ta muốn tuyên bố với tương lai rằng: Đoàn kết theo nhiều cách khác nhau, nhân danh hòa bình, tôn trọng, đoàn kết. Đây là sức mạnh của thể thao, đây là bản chất của Olympic” - bà Hashimoto Seiko, Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản, Trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo nhấn mạnh.

Dự Olympic đã là chiến thắng!

Với thể thao Việt Nam, gần 2 năm gian nan không được thi đấu quốc tế, chủ yếu tập “chay” trong điều kiện thiếu thốn, việc 18 VĐV giành vé dự Olympic đã nằm ngoài mong đợi, dù chỉ tiêu ban đầu là 20 suất.

Việc kỳ vọng vào một số gương mặt là điều đương nhiên ở mỗi giải đấu, khát khao càng đặc biệt lớn ở Olympic. Nửa hành trình Olympic đã qua, Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên, Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành, Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên đều trắng tay, kết quả này đã nhận rất nhiều ý kiến không hay trên mạng xã hội. Nhưng ít ai biết VĐV của chúng ta có chấn thương không, rồi có VĐV phải cách ly tới 42 ngày sau khi trở về từ giải quốc tế, bữa ăn trong khu cách ly không đủ chất...

Chưa có huy chương, song thể thao nước ta cũng đã đặt dấu ấn. Đó là chiến thắng ở Olympic sau 33 năm ròng rã chờ đợi cho Boxing Việt Nam, do công của Nguyễn Văn Đương. Đó là sự xuất hiện của 2 cung thủ Ánh Nguyệt - Phi Vũ trong lần đầu tiên bắn cung Việt Nam góp mặt ở Olympic. Đó là kỷ lục 4 lần liên tiếp dự Olympic của tay vợt Nguyễn Tiến Minh. Đó là 2 chiến thắng ở vòng bảng nội dung đơn nữ môn cầu lông của tân binh Thùy Linh. Phía trước, từ 18 chiến binh, hy vọng huy chương chỉ còn đặt vào 2 gương mặt cầm cờ, đó là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và chân chạy Quách Thị Lan…

"Đoàn Việt Nam tham dự Thế vận hội đã là một nỗ lực, bởi nguy cơ nhiễm Covid-19 có thể đến bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể hy vọng, còn tôi cho rằng họ không giành được huy chương ở Olympic này là điều bình thường. Bởi vô vàn những khó khăn dẫn tới việc như thế này. Còn nếu VĐV nào giành được huy chương thì đó là điều phi thường” - nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympic Nguyễn Hồng Minh nói./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận