Đây là vòng đấu để lại cho những tín đồ túc cầu giáo nước nhà nhiều cảm xúc tiếc nuối. Chúng ta tiếc vì Duy Mạnh bị thẻ đỏ đúng thời khắc rất quan trọng trong 90 phút thư hùng với Saudi Arabia! Tại cuộc chạm trán với “đội bóng xứ Kangaroo”, sự tiếc nuối lại đến từ tình huống người “cầm cân nảy mực” từ chối cho các học trò huấn luyện viên Park Hang-Seo được hưởng quả đá phạt 11m. Tương tự như vậy, ở chuyến làm khách trên sân nhà đội tuyển Oman, theo cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá Nữ Việt Nam - Steve Darby thì tình huống dẫn đến quả phạt đền cho đội chủ nhà là “không hợp lý”, cầu thủ Oman đã “diễn rất khéo”. Và đặc biệt là ở hai trận đấu gần đây, khán giả cả nước không thể không buông hai tiếng “giá như”: Giá như chúng ta đủ thể lực để ganh đua một cách sòng phẳng; giá như hàng thủ của đội tuyển Việt Nam chơi tập trung hơn trong những phút cuối trận; giá như các cầu thủ của chúng ta chơi “quái” hơn…
Trong vô vàn cái “chép miệng tiếc rẻ” ấy, có không ít căn nguyên chủ quan, cụ thể hơn là sai sót cá nhân. Đơn cử như nhiều pha cắt còi của các vị “vua áo đen” (trận Oman - Việt Nam) đã khiến cộng đồng mạng “nổi sóng” thật sự; hay những bận hoán đổi nhân sự của “thầy Park” không những không phát huy hiệu quả mà còn gây ra “phản ứng phụ” (trận gặp Trung Quốc). Điều này đồng nghĩa các tuyển thủ (cũng như cổ động viên) cảm thấy “không tâm phục khẩu phục”. Và đáng nói hơn, nó hoàn toàn tương phản với những trận thua “không còn gì để nói”, “thất bại toàn tập” trước các tập thể này cách đây trên dưới một thập kỷ. Cũng có nghĩa chỉ cần trọng tài chính xác hơn, nhà cầm quân người Hàn Quốc “đọc” trận đấu đúng hơn, chúng ta có thể đã có điểm. Đừng quên là ở trận gặp Oman - Tiến Linh, Quang Hải cùng đồng đội đã dẫn bàn trước.
Song, bên cạnh đó vẫn còn những sự tiếc nuối bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan, mang tính tập thể, “lỗi của cả hệ thống”. Sự thua kém về thể lực, sức bền của đội tuyển Việt Nam trước cả Trung Quốc, Oman (đặc biệt là trong 1/3 thời gian thi đấu chính thức cuối trận) không thuộc về cá nhân cầu thủ nào và càng chẳng thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Một dẫn chứng khác, liên quan đến các tình huống đá phạt góc của đội tuyển Oman. Đối thủ liên tiếp triển khai các pha treo bóng rất “dị”: Dồn tới hơn nửa đội hình sát vạch vôi nhằm gây nhiễu phán đoán cho thủ thành Văn Toản rồi thực hiện các cú sút xoáy; bóng bay theo “quỹ đạo cong” găm thẳng vào lưới. Theo các chuyên gia, “bài” này rất phổ biến tại các giải đấu ở “cựu lục địa”, chỉ cần “kẻ gác đền” có một chút “quái”, chủ động chèn ép tranh chấp vị trí sẽ dễ dàng hóa giải. Ấy thế nhưng, với một Văn Toản lần đầu tiên được “hít thở” bầu không khí ở các trận cầu đỉnh cao thì hoàn toàn bất lực trong việc tìm giải pháp cản phá.
Nói cách khác, chúng ta có thể hạn chế được nguyên nhân chủ quan (năng lực trọng tài - nếu có) nhưng không thể lập tức khắc phục được những yếu kém mang tính khách quan như: kinh nghiệm, thể lực, trình độ…
Vậy nên, thay vì đổ mọi “tội lỗi” lên trọng tài, quy mọi trách nhiệm cho sự lạm dụng công nghệ VAR thì cần phải nhìn thẳng vào thực tại, rằng so với đối phương, chúng ta vẫn rất “non và xanh”.
Hướng tới World Cup 2026, đó có lẽ là mục tiêu khả dĩ và thiết thực hơn!