Đó là 3 cột mốc ngọt ngào trong hành trình sự nghiệp của Nguyễn Thùy Linh. Nhưng hoa khôi cầu lông nước ta cũng đã phải trải qua không ít chông gai.
Tình yêu với cầu lông của cô gái sinh năm 1997 người Phú Thọ được ông ngoại định hướng. Ngày ngày, cô học sinh tiểu học được ông ngoại cho đi xem các trận cầu lông ở nhà văn hóa, rồi mượn vợt đứng một góc tự tang, động lực càng lớn hơn khi ông ngoại nói rằng: “Mỗi lần tâng đạt yêu cầu sẽ được ăn chè”. Thế rồi khi Thùy Linh đạt giải ở trường và thành phố, ông ngoại đã nhìn ra năng khiếu của cháu gái nên hướng cô đi theo con đường chuyên nghiệp. Mới 10 tuổi, Thùy Linh đã sớm phải xa gia đình, theo học lớp năng khiếu CLB Cầu lông Hà Nội, và cũng rất nhanh chóng chiến thắng như chẻ tre ở các giải trẻ. Tình yêu cầu lông khiến Thùy Linh phải đánh đổi bằng những niềm vui giản dị của các cô gái tuổi teen: “Khi em nhìn thấy các bạn chụp ảnh kỷ yếu hay có những sự kiện gì đó khi đi học em cảm thấy buồn, tủi thân vì thời gian của em gần như dành hết cho cầu lông. Những năm chưa có dịch Covid-19, không năm nào em được đón sinh nhật với gia đình do em đi làm nhiệm vụ ở đội tuyển Quốc gia, lúc đó cũng cảm thấy chạnh lòng. Tuy nhiên em luôn suy nghĩ tích cực và khi buồn em sẽ tìm điều gì đó làm em vui để nhanh chóng vượt qua, bởi em có rất nhiều việc phải làm”.
Rất nhiều việc phải làm và Thùy Linh đều làm rất tốt. Ngay cả khi phải nghỉ tập 2 năm do mẹ không muốn cô theo đuổi nghiệp thể thao, Thùy Linh vẫn trở lại đầy mạnh mẽ. Bước ngoặt thành tích đầu tiên là năm 2014, Thùy Linh giành HCV giải trẻ toàn quốc, trở thành tay vợt số 2 Việt Nam sau Vũ Thị Trang. Năm 2015, cô được chọn vào đội tuyển Quốc gia dự SEA Games 28 khi mới 18 tuổi. Đặc biệt, sau nhiều lần phải gác vợt trước Vũ Thị Trang và chấp nhận "dớp" về nhì, Thùy Linh chính thức soán ngôi đàn chị với chiến thắng kịch tính 2-1 tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018. Lúc này, Thùy Linh đang có cú đúp HCV ở cả giải VĐQG và giải cầu lông các tay vợt xuất sắc toàn quốc. Ngoài ra, Thùy Linh cũng sưu tập được hàng loạt huy chương tại các giải quốc tế tại Nepal, Bangladesh, Áo... Kết quả là từ top 200 thế giới, hoa khôi cầu lông Việt Nam đang đứng trong top 50 thế giới.
Olympic là một giấc mơ với bất kỳ VĐV nào và chắc chắn Thùy Linh đã có giấc mơ đẹp. Mùa hè vừa qua ở Tokyo, Thùy Linh thất bại trước thần tượng Tzu-ying của Đài Bắc Trung Hoa, nhưng cô đã có màn trình diễn ấn tượng. 2 trận còn lại, Thùy Linh xuất sắc đánh bại 2 đối thủ có hạng cao hơn mình là Qi Xuefei và Sabrina Jaquet. Tuy nhiên, do mỗi bảng chỉ có 1 tay vợt vào vòng trong, Thùy Linh đành chấp nhận rời Olympic Tokyo. “Mỗi một trận đánh, mỗi một đối thủ đều có điểm mạnh, yếu khác nhau. Qua mỗi một trận đánh, em rút ra những kinh nghiệm thi đấu khác nhau. Điều mà em phải học hỏi nhiều nhất, đó là họ rất bản lĩnh”.
Nửa năm qua, Thùy Linh cuốn theo nhưng đợt tập huấn, thi đấu. Còn mục tiêu phía trước, hoa khôi cầu lông đang dồn sức cho tấm vé vào chung kết SEA Games: “Em muốn mình có tấm huy chương SEA Games và em có thể đưa hình ảnh của nước ta lên bản đồ cầu lông thế giới. Em mong mình sẽ để lại dấu ấn đẹp cho cầu lông Việt Nam”.
Từng bước một, Thùy Linh khẳng định được tài năng của mình để soán ngôi vị số một. Ở tuổi 24, cô gái quê Phú Thọ đang là niềm hy vọng lớn ở SEA Games, đấu trường mà cầu lông Việt Nam chưa một lần bước lên bục nhận huy chương cao nhất.