Đừng quên chuyện 'tái ông thất mã'

Dẫu vòng bảng AFF Cup 2021 mới đi qua ¾ quãng đường, Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam đã cho thấy sức mạnh của ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch.

 

Một câu chuyện “rất cũ” nhưng cần phải nhắc lại là tại AFF Cup 2021, đội tuyển của chúng ta nhập cuộc trong tư thế nhà đương kim vô địch. Ở góc độ khác, với vị thế là đội tuyển duy nhất Đông Nam Á giành quyền tham dự vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, không ngạc nhiên khi tại AFF Cup năm nay, Công Phượng, Tuấn Anh, Hoàng Đức, Quang Hải cùng đồng đội đã được các chuyên gia túc cầu xếp vào “chiếu trên” - thậm chí, nếu không bảo vệ thành công ngôi vị cao nhất (hay chí ít là lọt vào trận đấu cuối cùng) thì có thể xem đó là “thất bại” của túc cầu giáo nước nhà thời điểm hiện tại.

Song, chớ nên quên rằng, các “bại tướng” dưới tay các học trò HLV Park Hang Seo đều chưa phải “thuốc thử đủ liều”. Lấy đội tuyển Lào làm điểm quan sát. Những năm gần đây, dẫu đã có sự đầu tư khá mạnh mẽ và toàn diện nhưng tập thể đến từ đất nước “Triệu Voi” vẫn chưa thể chen chân vào nhóm các đội bóng hàng đầu châu lục. Trong một so sánh khác, dẫu thực lực có đủ và khát vọng có thừa nhưng ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid khiến từ đầu giải đấu đến nay, đội bóng của quốc gia có tòa tháp đôi Petronas nổi tiếng chưa bao giờ có được lực lượng mạnh nhất. Một chuyển động “ngỡ như đùa” là trước 90 phút thư hùng với Đội tuyển Việt Nam, Hiệp hội Bóng đá Malaysia đã viết đơn đề nghị Ban tổ chức cho phép thay đổi vị trí “gác đền” (và được chấp thuận) do có tới 2 vị trí trụ cột là thủ môn Khairulazhan Khalid (32 tuổi) và tiền đạo Faisal Halim (23 tuổi) bất ngờ… dương tính!

Những chiến thắng dễ dàng ở vòng bảng vẫn chưa thể là chiếc “hàn thử biểu” chính xác, trung thực để “những ngôi sao vàng” khẳng định sự vượt trội về đẳng cấp, trình độ.

Nói cách khác, những chiến thắng dễ dàng ở vòng bảng vẫn chưa thể là chiếc “hàn thử biểu” chính xác, trung thực để “những ngôi sao vàng” khẳng định sự vượt trội về đẳng cấp, trình độ. Cuộc so tài khốc liệt thực sự mà “người người, nhà nhà” đều trông đợi chính là trận đấu mà ở phần sân đối diện, đối thủ của chúng ta là đôi tuyển đang sở hữu nhiều cúp vàng AFF Cup nhất: Thái Lan (5/12 lần đăng quang).

Một điều tưởng như “lợi thế” nhưng rất có thể sẽ là “tử huyệt” của tập thể hiện đang được dẫn dắt bởi chiến lược gia đến từ xứ sở Kim chi là khát vọng. Sau chuỗi danh hiệu: Đăng quang tại SEA Games 2019, giành Huy chương bạc ở giải U23 châu Á 2018 (Thường Châu - Trung Quốc), và đặc biệt là ngôi vị “Vua khu vực” ở kỳ AFF trước - nhiều chuyên gia bóng đá nước nhà đã không ngần ngại bày tỏ lo ngại về tâm lý chủ quan, thậm chí là hiện tượng “nhạt ý chí”, “cùn mòn khát vọng” sau nhiều năm túc cầu giáo Việt Nam “no nê” danh hiệu. Nghịch lý sân cỏ này cũng được các chiến lược gia quốc nội đưa ra lời giải thích tường tận: Khi một đội bóng là tập hợp của nhiều cầu thủ trẻ, đa phần là vô danh nên khi bị “coi thường” thì họ tự ái, vào sân là chơi với hơn 100% khả năng nên hoàn toàn có thể làm nên những điều kỳ diệu.

Không phủ nhận nỗ lực và kết quả của thầy trò HLV Park Hang Seo sau các trận đấu tại vòng bảng nhưng thiết nghĩ các cầu thủ của chúng ta cũng nên biết đến câu chuyện “tái ông thất mã” của người xưa: Bị đánh giá thấp trước khi giải đấu khởi tranh chưa có gì đáng buồn và chiến thắng trước các đối thủ không cùng đẳng cấp cũng chớ vội mừng vui!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận