Hà Nội FC không thành công giữ chân Quang Hải Khi 'thương vụ triệu đô' đổ bể

Sau nhiều bậnthương thảo bất thành, mối lương duyên giữa ngôi sao sáng của sân Hàng Đẫy - Nguyễn Quang Hải với đội bóng chủ quản đã chính thức đặt… dấu chấm hết

 

Tiền vệ tài hoa sinh năm 1997 sẽ trở thành cầu thủ tự do sau chừng 1 tháng nữa.

Bàn về chuyện giữ chân cầu thủ, hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên một chuyển động ở hậu trường sân Thanh Hóa trên dưới một thập kỷ trước. Thời điểm ấy, sân chơi “sang” nhất làng có sự góp mặt của hàng loạt đại gia, mặc sức vung tiền để chèo kéo cầu thủ. Ở chiều ngược lại, đội bóng chủ quản ra sức khẩn trương thi thố các chiêu, mánh để giữ chân trụ cột. Được gắn cái mác “nghèo kinh niên” nên không ngạc nhiên khi Lam Sơn Thanh Hóa (tiền thân của Đông Á Thanh Hóa FC hiện nay) đã triển khai khá nhiều “võ của nhà nghèo”. Đầu tiên là chiến thuật “trói chân bằng biên chế” - bốn cái tên sáng giá là Đình Tùng, Văn Tuấn, Hữu Thắng và Mạnh Hà được đích thân Giám đốc Điều hành Trần Quốc Hưng mời vào biên chế Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Chưa hết, một lãnh đạo ngành văn hóa - thể thao tỉnh này còn mạnh dạn đề xuất đưa 4 cầu thủ vào danh sách được hỗ trợ… mua nhà giá rẻ!

Bên cạnh thảm cỏ Thanh Hóa, các sân bóng khác của cả nước cũng có hàng loạt động thái để ngăn chặn vấn nạn “chảy máu cầu thủ”. “Người xứ Nghệ” tuyên bố sẵn sàng kí với tiền đạo Văn Quyến bản “hợp đồng trọn đời” hoặc cấp đất làm nhà, trao băng đội trưởng vĩnh viễn (trường hợp đội trưởng Huy Hoàng). Tương tự như vậy, trong bản hợp đồng mà lãnh đạo Đồng Tâm Long An đề nghị tái ký với Phan Văn Tài Em có một điều khoản khá lạ đời, đại ý: Dành sẵn “một chân trong Ban huấn luyện” sau 5 năm giải nghệ!.

Song, tác dụng của các “võ” ấy không nhiều, hay nói cách khác là chỉ phát huy tác dụng với những người đã bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp, trình độ chuyên môn không lấy gì làm đặc sắc (khó tìm bến đỗ mới) hoặc vì lý do đặc biệt nào đó. Vậy nên, dù đã rất tích cực trong công tác tư tưởng cùng những hứa hẹn đãi ngộ “cao hơn một công chức” (cầu thủ dạng biệt phái được ăn lương, thưởng theo chế độ của đội bóng), lãnh đạo đội bóng Thanh Hóa vẫn phải chấp nhận sự thực là 3/4 cầu thủ được đề nghị vào “biên chế” đã… từ chối. Thịnh tình của CLB chỉ nhận được sự hợp tác duy nhất từ phía thủ môn Mạnh Hà - người chuyên bắt dự bị, đã cứng tuổi, và không có nhiều sự lựa chọn cho tương lai.

Tiền vệ tài hoa sinh năm 1997 sẽ trở thành cầu thủ tự do sau chừng 1 tháng nữa.

Trở lại việc Hà Nội FC giữ chân Quang Hải. Điểm rất dễ nhận thấy, cũng là khác biệt rõ rệt so với các câu chuyện kể trên là trên bàn đàm phán đã không xuất hiện chủ trương “cấp đất, cấp nhà”. Lãnh đạo “đội bóng Thủ đô” cũng không “ngây thơ” đến mức kêu gọi Quảng Hải (vốn sinh ra ở Đông Anh, Hà Nội) - “cống hiến cho đội bóng quê hương”. Khi những khái niệm cũ đã lạc nhịp, cả hai đã bàn thẳng vào… các con số.

Theo một số nguồn tin chưa chính thức, dẫu Hà Nội FC đã chấp nhận chi lương, phí chuyển nhượng “vượt khung” nhưng Quang Hải vẫn từ chối vì như thế… vẫn còn ít.

Nhìn nhận một cách khách quan thì cái “lắc đầu” từ Quang Hải trước những đãi ngộ của Hà Nội FC không có gì “bất thường” hay “trái đạo”. Ngược lại, việc các đội chủ sân Hàng Đẫy không giữ chân cầu thủ này một cách bất chấp cũng chẳng khó lý giải bởi họ có cách “định giá” cùng những nguyên tắc riêng.

Khán giả của Hà Nội FC có thể tiếc nuối vì đội nhà đã để vuột “con cá lớn” trên thị trường chuyển nhượng nhưng với sân cỏ quốc nội, đó lại là tín hiệu vui bởi khi “thương vụ triệu đô” này đổ bể (một chuyên gia đã dự tính tổng trị giá, cả “chuyên môn” lẫn “thương hiệu” của Quang Hải đạt mức… 27 tỉ đồng) sẽ ngăn cản “chợ cầu thủ nội” biến thành… chợ trời.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận