Thể thao Việt Nam: Tập trung cho các môn Olympic, bảo vệ HCV bóng đá SEA Games

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định SEA Games là bệ phóng để thể thao VN hướng tới những mục tiêu lớn hơn tại châu lục và thế giới.

 

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, SEA Games 31 sẽ khởi tranh ở Việt Nam (sự kiện được tổ chức tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận).

Chia sẻ với VTC News, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 là lọt vào nhóm đầu toàn đoàn, đồng thời giành thành tích tốt ở các môn thi Olympic, làm bệ phóng chuẩn bị cho những giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới.

Chiến lược săn "vàng"

- Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games lần này là gì, thưa bà?

Chiến lược thể thao của chúng ta là luôn nằm trong tốp đầu SEA Games. Đặc biệt ở các môn Olympic quan trọng như điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng... Điền kinh, bơi lội ta đã vượt qua Thái Lan còn bóng đá nam, nữ có HCV SEA Games.

Bởi vậy, mục tiêu của đoàn Việt Nam ở đại hội lần này là tiếp tục ở nhóm đầu, giành thành tích cao nhất ở các môn Olympic và bảo vệ thành công HCV bóng đá. Khó khăn nhưng chúng ta đang cố gắng và thậm chí có những mục tiêu cao hơn.

Việt Nam có thể đứng nhất toàn đoàn. Đương nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các VĐV cũng quyết tâm rất cao vì không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm thi đấu SEA Games trên sân nhà.

- Thể thao Việt Nam sẽ tận dụng SEA Games làm bàn đạp để tập trung cho các môn chủ lực, mục tiêu xa hơn cho ASIAD và Olympic?

Mục tiêu của thể thao Việt Nam liên thông từ SEA Games tới ASIAD và Olympic. Trước đây, ta đặt mục tiêu SEA Games rồi ASIAD và Olympic. Mục tiêu mới tương tự như vậy nhưng có thay đổi về chiến lược là đưa các môn Olympic làm mũi nhọn, tập trung trọng điểm vào các môn Olympic rồi sau đó là ASIAD và SEA Games. Các mục tiêu này liên thông và bổ trợ cho nhau.

Trước đây, tập trung vào SEA Games trước thì có nhiều môn hơn, khá dàn trải. Thắng ở Olympic rất khó nhưng ASIAD là mục tiêu phù hợp với thể thao Việt Nam. SEA Games vẫn là đấu trường phải hướng tới bởi vừa sức nhất để cạnh tranh HCV.

Tại ASIAD Hàng Châu, mục tiêu của đoàn Việt Nam là từ 2-4 HCV nhưng ở SEA Games 31, muốn nhất toàn đoàn, phải đoạt khoảng 150 HCV. Còn Olympic là nơi thể thao Việt Nam hướng tới với chiến lược dài hơi.

Nỗ lực

- Tiến độ chuẩn bị cho đại hội thể thao lớn nhất khu vực trong năm 2022 của Việt Nam đang diễn ra thế nào, thưa bà?

Chỉ còn hơn 40 ngày nữa là khai mạc SEA Games nên công tác chuẩn bị phải gấp rút hoàn tất. Mọi công việc được thực hiện rất khẩn trương và đúng tiến độ.

Chúng ta có 9 tiểu ban và các trung tâm điều hành, thúc đẩy hoàn tất những công đoạn cuối cùng, từ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, an ninh, giao thông, y tế, khánh tiết, truyền thông đến những công tác khác,... để đảm bảo SEA Games diễn ra thành công.

•	VĐV Phạm Thị Hồng Lệ là niềm hy vọng của đội điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31. (Ảnh: Minh Chiến).- Công tác đảm bảo chất lượng các cơ sở vật chất phục vụ SEA Games được thực hiện thế nào?

Việt Nam có 12 địa phương đăng cai tổ chức các môn thi đấu SEA Games, gồm Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Trên phương diện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ thi đấu, chúng ta không xây mới, mà chủ yếu nâng cấp, sửa sang lại những cơ sở sẵn có.

Chỉ có một số cơ sở xây mới như trung tâm quần vợt Hanaka ở Bắc Ninh, trường bắn ở Trung tâm Huấn luyện thể thao QG Hà Nội (Nhổn). Còn lại, tận dụng những nền tảng hạ tầng sẵn có như Cung thể thao dưới nước, sân Mỹ Đình,... tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, rồi nâng cấp lên.

Hiện tại, các địa phương đã thực hiện xong phần lớn công tác nâng cấp, sửa chữa hạ tầng thiết bị. Riêng Hà Nội đặt mục tiêu mức A - mức cao nhất trong việc chuẩn bị cho các môn thi đấu.

Khó nhất là nâng cấp đường đua xe đạp ở Hòa Bình phục vụ môn đua đường trường và đua địa hình, hoàn thành khoảng 90% tiến độ.

- Tổ chức đại hội trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục TDTT phối hợp với các cơ quan, bộ ban ngành để đề ra các biện pháp chống dịch ra sao?

Quan chức, HLV, trọng tài, vận động viên, phóng viên, tình nguyện viên,... tham dự SEA Games phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Bộ Y tế, tùy những đối tượng khác nhau sẽ có hướng dẫn khác nhau. Phương án phòng dịch trong thời gian diễn ra đại hội được lên kế hoạch triển khai rõ ràng theo quy định.

Vận động viên nếu mắc COVID-19 sẽ được cách ly tại khách sạn nơi đoàn thể thao của vận động viên đó ở, còn trường hợp nặng sẽ được đưa đến bệnh viện điều trị. Trong khi đó, các vận động viên tiếp xúc gần với ca nhiễm (F1) được xét nghiệm hàng ngày. Các môn thi đấu diễn ra bình thường, không để bị gián đoạn.

Chúng tôi đã lên danh sách các bệnh viện ở các địa điểm thi đấu. Đội ngũ y tế phục vụ SEA Games được chia thành 2 tổ gồm phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khách sạn. Ban tổ chức đã có kế hoạch chi tiết để xử lý trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

Trong giai đoạn bình thường mới hiện nay, khi việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 (từ 2 đến 3 mũi) được thực hiện đầy đủ và quy tắc 5K đã trở nên phổ biến, các môn thi đấu vẫn diễn ra bình thường. Chúng tôi đã lên nhiều phương án để đảm bảo chất lượng thi đấu cho các vận động viên.

Tổ chức SEA Games trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn phức tạp là nhiệm vụ khó khăn của ban tổ chức. Dịch bệnh khiến không ít đầu việc bị hoãn lại, chậm tiến độ. Tuy nhiên, những vấn đề này đã được khắc phục và cố gắng hoàn thành trước ngày khai mạc.

Liệu có khó khăn trong việc lo ăn ở, xét nghiệm, thi đấu cho 7.000 vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ đoàn?

Số lượng vận động viên dự SEA Games khoảng 7.000 người, riêng Việt Nam có 1.000 vận động viên. Chúng tôi có nhiều tổ y tế để xét nghiệm hàng ngày cho các vận động viên. Ban tổ chức đã có phương án xét nghiệm 1 lần/ngày cho các vận động viên ở các địa điểm thi đấu.

Nếu đến tháng 5, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các ca nhiễm giảm về mức thấp, chúng tôi sẽ tính toán để điều chỉnh phương án xét nghiệm cho phù hợp.

Các đoàn vận động viên đều phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính trước khi tới Việt Nam. Nếu vận động viên không ho, sốt thì thi đấu bình thường, còn việc xét nghiệm là phát sinh trong điều kiện dịch bệnh. Về vấn đề này, Bộ Y tế và các tiểu ban y tế đã có kế hoạch chuẩn bị.

SEA Games 31 có quy mô nhỏ, số lượng các vận động viên được chia đều về các khách sạn ở các tỉnh thành với số lượng vừa phải, do đó ban tổ chức sẽ kiểm soát được công tác phòng chống dịch nói chung và xét nghiệm nói riêng.

- Olympic Tokyo được xem như hình mẫu cho công tác tổ chức Đại hội thể thao trong bối cảnh dịch bệnh. Việt Nam học hỏi và áp dụng được gì cho SEA Games 31?

Các công đoạn thiết yếu ở mọi sân chơi thể thao như trao huy chương cho vận động viên, phóng viên phỏng vấn, tiếp xúc với vận động viên, huấn luyện viên ra sao,... chúng tôi đã họp bàn để lên phương án cụ thể.

Ban tổ chức SEA Games áp dụng một phần quy tắc bong bóng khép kín như Olympic Tokyo, tuy nhiên vẫn có khác biệt cơ bản. Tokyo có làng vận động viên, còn tại SEA Games, các vận động viên ở các khách sạn khác nhau, nên khó áp dụng mô hình khép kín hoàn toàn.

Chúng ta áp dụng một phần, đơn cử như phóng viên phải giữ khoảng cách nhất định với vận động viên, huấn luyện viên, khi phỏng vấn thì một trong hai bên phải đeo khẩu trang. Các đoàn vận động viên cũng hạn chế giao lưu, đi ra ngoài khu vực thi đấu.

Quy trình khép kín được thực hiện khi vận động viên rời khỏi địa điểm tập trung để đến nơi tập luyện, thi đấu rồi trở lại. Các đoàn thể thao tự lên phương án bảo vệ, giữ an toàn cho vận động viên, hạn chế giao lưu và tiếp xúc. Bài học từ Olympic Tokyo và vòng loại World Cup 2022 sẽ được áp dụng. Chúng ta đã tổ chức tốt các giải tiền SEA Games, nên sẽ tổ chức tốt việc vừa phòng dịch, vừa đảm bảo giải đấu diễn ra với chất lượng chuyên môn cao.

Chỉ trong trường hợp dịch bệnh bùng phát nặng nề, ban tổ chức mới không để khán giả vào sân. Còn theo kịch bản hiện nay, chúng ta có số lượng khán giả nhất định khán giả vào sân, chỉ hạn chế một phần. Dự kiến các địa điểm thi đấu sẽ mở cho khoảng 30-50% khán giả. Đó là nguồn cổ vũ lớn cho các vận động viên thi đấu. Khán giả cũng có cơ hội vào sân theo dõi đại hội thể thao mà có thể 20 năm nữa mới trở lại.

Ban tổ chức sẽ nỗ lực để tổ chức kỳ SEA Games thân thiện, mến khách trong điều kiện bình thường mới.

- Khán giả muốn vào sân cần đáp ứng yêu cầu đặc biệt nào?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khán giả không cần xét nghiệm COVID-19 trước khi vào sân. Còn với yêu cầu tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, hiện với ứng dụng PC Covid, có thể dễ dàng kiểm tra ở địa điểm tổ chức.

Vận động viên, HLV, tình nguyện viên, phóng viên cần xét nghiệm. Có thể đến tháng 5, hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ thay đổi, phù hợp với tình hình ở thời điểm diễn ra sự kiện.

- Tổ chức thành công SEA Games sau quãng thời gian đại dịch là cơ hội để thể thao Việt Nam nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế?

Việc tổ chức đại hội thể thao có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, các vận động viên được cọ xát thi đấu, nâng cao thành tích. Thứ hai, chúng ta có cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thu hút khách du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Thông qua SEA Games, du khách đến Việt Nam để tham quan danh lam thắng cảnh, đồng thời theo dõi các nội dung thi đấu.

Tổ chức SEA Games 31 thành công cho thấy chúng ta vượt qua dịch bệnh, thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho thể thao. Đồng thời mang lại nguồn thu từ du lịch, kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, gắn kết các nước Đông Nam Á cũng như thế giới.

Đó là mục tiêu mà ngành thể thao Việt Nam luôn hướng tới.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Hồng Nam/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận