Cần thấy rằng chuyện được gọi lên tuyển song hành với các khái niệm “vinh dự - nghĩa vụ” còn là cơ hội đổi đời của những kẻ theo nghiệp “quần đùi áo số” ở xứ ta. Mác “tuyển thủ Quốc gia” luôn là tấm giấy chứng nhận tin cậy khẳng định năng lực, giúp giá trị cầu thủ tăng với tốc độ “phi mã” mỗi bận thị trường chuyển nhượng khai mở các phiên. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều thời điểm “lên tuyển” không đồng nghĩa với “thành tích” nên không ít kẻ đã tìm lý do “trốn tuyển”.
Hẳn người hâm mộ cả nước vẫn chưa quên nghi án “mất hộ chiếu” của cựu thủ thành người Nghệ An - Dương Hồng Sơn hơn một thập kỷ trước. Thời điểm ấy, mục tiêu, chiến lược của các quan chức bóng đá nước nhà vẫn chỉ quẩn quanh trong “ao làng khu vực” chứ không dám “mơ cao, mơ xa”. Trong tương quan trình độ giữa đội tuyển Quốc gia với các “ông lớn” Tây Á, những chuyến “du Tây Á” chỉ mang ý nghĩa “hành xác” không hơn không kém. Vì lẽ đó, trước chuyến làm khách gặp Lebanon tại vòng loại Asian Cup 2011, do đã “nhìn trước một thất bại” nên “Sơn Nghệ” chủ động tìm gặp Ban huấn luyện thông báo mất hộ chiếu - không thể xuất ngoại tham gia trận đấu nói trên.
Ấy thế nhưng, chỉ một ngày sau, trước sự lên án mạnh mẽ của người hâm mộ, Dương Hồng Sơn bất ngờ đăng đàn cho biết: Đã tìm lại được hộ chiếu! Chuỗi phát ngôn “tiền hậu bất nhất” khiến khán giả cả nước không thể không đặt ra câu hỏi: Việc Dương Hồng Sơn “hoang tin” mất hộ chiếu chỉ là để thăm dò phản ứng nhằm hợp thức hóa việc từ chối tham gia đội tuyển quốc gia?
Trở lại câu chuyện mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết, vài năm trở lại đây, dưới triều đại HLV Park Hang Seo - người được ví như vua Midas với không ít chiến tích “chạm tay hóa vàng” thì vô số cầu thủ đều mong muốn được tìm kiếm cơ hội được thi đấu trong màu áo tuyển, đặc biệt là những chân sút “vô danh”, mở được cánh cửa vào Đội tuyển cũng đồng nghĩa mở ra một tương lai tươi sáng, đầy hứa hẹn. Song, như đã nói, lời “hiệu triệu” của ông thầy người Hàn Quốc để chuẩn bị cho SEA Games 31 đã bị Nguyễn Quang Hải từ chối.
Điều này tưởng chừng nghịch lý nhưng lại không khó lí giải bởi thương hiệu của Hải “con” đã được khẳng định. Với những gì đã thể hiện ở các sân chơi châu lục, anh đã lọt vào “mắt xanh” của nhiều tuyển trạch viên quốc tế. Việc tiền vệ quê Đông Anh (Hà Nội) chia tay V.League để đầu quân cho một giải đấu ở cựu lục địa chỉ còn là vấn đề thời gian (hiện bến đỗ chính xác của anh này vẫn chưa được tiết lộ nhưng một số CLB như: FC Nantes - đang tranh tài tại giải đấu cao nhất nước Pháp Ligue 1, Austria Wien, RB Salzburg - giải vô địch quốc gia Áo hay Young Boys - Thụy Sĩ đều muốn có sự phục vụ của Quang Hải). Thêm một tấm Huy chương ở SEA Games chẳng làm lí lịch sân cỏ của cầu thủ sinh năm 1997 dày dặn hơn. Đó là chưa nói đến việc dính chấn thương tại “ao làng” có thể khiến anh “đi tong” cả sự nghiệp quốc tế. Điều này “thực tế” hơn rất nhiều so với việc đồng ý hội quân dưới trướng thầy Park nhưng không đảm bảo 100% sẽ có được thành tích.
Đó là chưa kể sự lựa chọn đầy khôn ngoan này còn được “người trong cuộc” ẩn giấu dưới thông điệp “tạo cơ hội cho đàn em”.
Những phép tính, phát ngôn khiến người ta không thể không “khâm phục”!