Triết lý duy mỹ của bầu Đức

Trong khuôn khổ bảng H AFC Champions League, đại diện V.League là Hoàng Anh Gia Lai đã có màn đón tiếp nhà đương kim Á quân J.League Yokohama Marinos.

 

Điều đáng nói là nhiều giờ trước khi bóng lăn, các chuyên gia đã “chúng khẩu đồng từ” - chung dự đoán về một chiến thắng cho câu lạc bộ đến từ đất nước mặt trời mọc. Nói cách khác hơn một vạn khán giả chen chúc trên các khán đài sân vận động Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) là để thỏa mãn mong muốn tận mục sở thị một “thất bại được báo trước” (tỉ số chung cuộc 1-2) - một điều tưởng như nghịch lý ở sân chơi túc cầu giáo.

Để tìm lời giải thích cho nghịch lý này, hãy nhắc lại một số chuyển động trong quá khứ, gắn với ông chủ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức. Như chúng ta đã biết, Bầu Đức luôn theo đuổi triết lý bóng đá hoa mỹ, tôn thờ chiến thuật tấn công, thậm chí đến mức cực đoan. Hơn nửa thập kỷ trước, chứng kiến U22 Việt Nam thất bại trước Hàn Quốc, trong sự ngạc nhiên của đông đảo báo giới, bầu Đức gật gù: Thua, nhưng là… “thua đẹp”, dám chơi đôi công trước đối thủ hơn hẳn về đẳng cấp và thực lực, dẫu đội nhà có thất bại cũng “sướng mắt”! Và rồi ông Đức quyết định thưởng cho đội U22 quốc gia 1 tỷ đồng vì… “thua đẹp” trước đối thủ.

Tư duy tấn công còn được bầu Đức thể hiện cả ở giải đấu cao nhất quốc nội. Mùa giải 2015, sau khi đôn lứa cầu thủ trẻ là sản phẩm từ lò đào tạo của mình lên chơi V.League, ông Đoàn Nguyên Đức không ngần ngại khoát tay chỉ đạo: Đội phải chơi tấn công, không cần quan tâm đến kết quả cuối cùng! Không ai có thể phủ nhận, dưới sự chỉ đạo của HLV trưởng (cũng là “giảng viên đứng lớp” của lò đào tạo) Graechen, những Văn Toàn, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… luôn nhập cuộc và chuyền ban, đập - nhả “đẹp như trong giáo áo”. Chính thứ bóng đá duy mỹ, vị cái đẹp ấy đã giúp Hoàng Anh Gia Lai trở thành đội bóng có lực lượng fan (người hâm mộ) lớn nhất V.League.

Với HAGL, triết lý bóng đá “vị khán giả” đã trở thành thương hiệu. Tuy nhiên, vẫn HAGL, hơn một lần họ phải trở thành nạn nhân của triết lý bóng đá mà họ đã và đang tôn thờ. Chính tại V.League 2015, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia về một giải đấu khắc nghiệt với không ít “chiêu”, “mánh”, “tiểu xảo”… HAGL vẫn duy trì phong cách “vị nghệ thuật” và liên tục rơi vào bi kịch luẩn quẩn: Càng đá đẹp càng thua, càng thua lại càng cố gắng đá đẹp… Mãi đến khi nguy cơ rớt hạng hiển hiện, ông bầu họ Đoàn buộc phải ra một quyết định bất đắc dĩ: Thay HLV Graechen bằng Nguyễn Quốc Tuấn - một nhà cầm quân thiên về thứ bóng đá “an toàn”, ít hoa mĩ nhưng hiệu quả. Đáng nói hơn, chính nhờ triết lý bóng đá thực dụng của HLV Nguyễn Quốc Tuấn mà “đội bóng phố núi” đã thoát hiểm trong gang tấc.   

Thực tế ấy cho thấy, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức không phải không hiểu rõ tác dụng cũng như hệ quả từ phong cách chơi cống hiến mà ông đã dày công xây dựng. Thậm chí, ở những thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”, bầu Đức cũng sẵn sàng đề cao triết lý thực dụng.

Trở lại 90 phút thư hùng mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết. Theo ghi nhận của các kỳ giả, dẫu HAGL bại trận trên sân nhà nhưng rất nhiều khán giả nán lại trước cổng khán đài A để động viên tinh thần thầy trò huấn luyện viên Kiatisuk. Đáng kể hơn, chiếc xe chở đội bóng đóng đại bản doanh tại phố Núi Pleiku đã lăn bánh trong những tràng pháo tay không ngớt từ hàng dài cổ động viên đứng chật như nêm hai phía vệ đường.

Có thể HAGL có phần chủ quan, không “biết mình biết người” khi áp dụng cứng nhắc chiến thuật “đôi công” trước đối thủ hơn hẳn về đẳng cấp, thực lực. Thật khó luận giải sự được - mất sau một trận thua đẹp nhưng với những gì đã diễn ra, có thể khẳng định, với HAGL, triết lý bóng đá “vị khán giả” đã trở thành thương hiệu./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận