Nhưng có lẽ, không phải đợi đến hai hiệp đấu “nghẹt thở” với U23 Malaysia (đã sớm bị loại sau 2 trận toàn thua), vị chiến lược gia người Hàn Quốc mới cảm nhận được sức ép ghê gớm từ vị trí chủ nhân chiếc ghế “nóng nhất làng”.
Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, hãy nhắc lại một chuyển động cách đây hơn một thập kỷ. Sau khi đội tuyển Việt Nam không thể bảo vệ thành công chức vô địch tại AFF Cup 2010, cựu phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lúc ấy là ông Nguyễn Lân Trung đã tiết lộ một thông tin khiến người hâm mộ không thể không giật mình: Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha Calisto quyết tâm từ nhiệm vì không chịu nổi sức ép từ truyền thông, dư luận!
Không lâu sau, đích thân “thầy Tô” đã đăng đàn, “bạch hóa” thông tin này, đại ý: Dư luận đã không thấy những nỗ lực của Đội tuyển cùng những nguyên nhân khách quan khiến đội nhà không thể tái lập thành tích vô địch AFF Cup cách đó 2 năm mà chỉ chăm chăm nhìn vào kết quả. “Khán giả Việt Nam rất cuồng nhiệt, nhưng họ chỉ yêu bóng đá chiến thắng. Bởi vậy, tôi nên và cần phải lập tức từ chức” - HLV Calisto cảm thán!
Mệnh đề “bóng đá chiến thắng” nhà cầm quân đến từ bán đảo Liberia “tổng kết” xem ra khá đúng đắn và phần nào đã lột tả được “đặc thù” tâm lý của một bộ phận không nhỏ CĐV nước nhà. Chẳng phải thế sao khi ngay cả cựu HLV trưởng Đội tuyển U23 Việt Nam (hiện là đương kim HLV trưởng đội tuyển Quốc gia) Park Hang Seo - người rất thành công với chuỗi thành tích: Á quân U23 châu Á 2018, hạng Tư ASIAD 2018, đặc biệt là 2 chức vô địch SEA Games vào các năm 2019 và 2022 - cũng hơn một lần thừa nhận trước báo giới: Mục tiêu chiến thắng khiến ông luôn có cảm giác “sống trong sợ hãi”!
Và ở vòng chung kết U23 châu Á năm nay, một lần nữa chúng ta lại cảm nhận sâu sắc hơn về khái niệm “bóng đá chiến thắng” cũng như áp lực mà những người chèo lái đội tuyển Việt Nam (cả U23 lẫn Đội tuyển Quốc gia) đang phải đối mặt.
Đó là khi trọng tài điều khiển trận thư hùng U23 Hàn Quốc - U23 Việt Nam nổi hồi còi mãn cuộc, huấn luyện viên Gong Oh-kyun đã trần tình trước báo giới, rằng: “Việt Nam không thắng ngày hôm nay. Tôi xin lỗi!”.
Nhìn nhận khách quan thì đó là 90 phút thi đấu kiên cường mà đội bóng của chúng ta “đã cầm hòa được đối thủ hàng đầu châu lục”; quan trọng hơn, như nhận định của các chuyên gia, dù mới tiếp quản băng ghế huấn luyện chưa lâu nhưng sơ đồ chiến thuật 4-3-3 mà huấn luyện viên Gong Oh-kyun áp dụng đã mang đến sự tươi mới, đồng thời đã truyền cho các cầu thủ một nguồn năng lượng tích cực! Vì lẽ đó, rất nhiều cổ động viên đã cảm thấy ngỡ ngàng trước phát biểu của ông Gong Oh-kyun. Xin lỗi vì “không thắng!”, dẫu đối thủ hơn hẳn chúng ta về thực lực và đẳng cấp, thực tế ấy cho thấy vị tân HLV rất am hiểu về cái gọi là “dư luận”, “cộng đồng mạng”.
Khi chiến thắng, giành danh hiệu thì tung hô, lúc thua vùi dập, thậm chí mạt sát - hoàn toàn có thể xem đây là “điểm trừ”, là đặc thù cố hữu mà nhiều người hâm mộ Việt chưa bỏ được. Có lẽ, với một bộ phận người hâm mộ Việt Nam, bóng đá chỉ có chiến thắng mà thôi!
Hy vọng là khi đã chấp nhận ngồi trên chiếc ghế “nóng” và hiểu được cơ bản tâm lý “đám đông”, tân HLV Gong Oh-kyun sẽ không vì “thấy sóng cả” mà “ngã tay chèo”!