Đả nữ Việt tại SEA Games 31: Vinh quang này thuộc về cả gia đình

Vinh quang trong thể thao đỉnh cao luôn song hành cùng chông gai.

 

Với các nữ võ sĩ lại càng gian truân gấp bội, bởi đằng sau những tấm huy chương là sự hy sinh trong cuộc sống gia đình.

Tô Thị Trang, nữ võ sĩ hạng 48kg môn kurash đã mang về tấm HCV đầu tiên cho đoàn chủ nhà tại SEA Games 31. Trong những ngày bố bị bệnh nặng, Tô Thị Trang không thể cận kề chăm sóc. Khi vào thăm bố, cô đã nức nở khi thấy bố bị cắm nhiều dây dợ lằng nhằng ở trên người. Cô đã gục bên cạnh bố và nói: “Hôm nay con được HCV, bố tỉnh dậy xem HCV của con đi”. Dù bố không nói được nhưng Trang thấy nước mắt của bố rơi. Cô tin rằng, bố rất vui và tự hào về cô.

Tô Thị Trang năm nay 23 tuổi,  đã lập gia đình. Bố mẹ đẻ của Trang ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Các HLV của Hà Nội cho biết, Trang tập thể thao từ nhỏ, gia đình khó khăn nên Trang càng nỗ lực. HCV SEA Games 31 là phần thưởng xứng đáng cho mồ hôi, nước mắt mà Trang đã đổ ra. Dù vậy, sự ra đi của bố đúng một ngày sau khi cô đứng trên bục cao nhất của đại hội là nỗi đau quá lớn. Cô đã không được ở bên bố trong giây phút sinh ly tử biệt.

Sinh cùng năm 1999 như Tô Thị Trang, Huỳnh Thị Kim Vàng, võ sĩ kickboxing hạng 65kg nội dung Full Contact, cũng rơi nước mắt xúc động khi trở về quê nhà Tịnh Biên, An Giang. Gia đình Kim Vàng là nông dân miền Tây "chính hiệu", đông thành viên nhưng chỉ có hơn 1 công đất. Bố mẹ Vàng đi cấy mạ thuê kiếm tiền nuôi 6 chị em ăn học. Trước Vàng, 4 người chị học hết lớp 9 đã phải nghỉ học để bươn chải kiếm sống. May mắn hơn, Kim Vàng được học hành đến nơi đến chốn. Cô vừa nhận bằng cử nhân của Đại học Trà Vinh ngay trước khi tập trung đội tuyển kickboxing dự SEA Games 31. Để trở thành nhà vô địch SEA Games 31, Kim Vàng cũng phải gồng mình để vượt qua nỗi đau mất đi 2 người chị gái ruột trong khoảng thời gian ngắn vì dịch Covid-19. "Chị gái thứ 5 của em mất ở Bình Dương vào đợt cao điểm dịch Covid - 19 năm ngoái. Vừa qua 100 ngày của chị thì chị gái thứ 2 lại qua đời vì Covid, bỏ lại 3 đứa con. Lúc đó em đang tập trung trên đội tuyển. Khi nghe tin em đã rất sốc. Em muốn về nhà, nghỉ luôn không tập luyện gì nữa. Mẹ em cũng rất sợ và lo lắng nên có khuyên em nghỉ vì em ở Sài Gòn một mình nên có chuyện thì mẹ không biết phải làm sao. Lúc đó vẫn chưa có quyết định hoãn SEA Games nên đội vẫn tập bình thường. Hồi Tết 2022, em về nghỉ ở nhà hai tháng, nhưng các thầy gọi điện động viên, em lại lên tập luyện trở lại. Tuy nhiên, khi mới lên em không theo kịp cường độ tập luyện như mọi người. Tập 3 buổi thì em nôn ói 2 buổi, các thầy phải giảm nhẹ giáo án thì em mới dần theo kịp" - võ sĩ quê An Giang kể về khoảng thời gian đối mặt với cú sốc về tinh thần.

Nỗi đau quá lớn lại là động lực để Kim Vàng vượt qua nghịch cảnh, mang về niềm tự hào cho gia đình ở kỳ SEA Games 31 trên sân nhà. Kim Vàng cho biết, khi chiến thắng và nghe được tiếng reo Việt Nam ở nhà thi đấu tỉnh Bắc Ninh thì cảm xúc của chị rất tự hào vì bản thân đã làm được điều gì đó cho đất nước, cho gia đình.

Nhìn sang môn wushu, Dương Thúy Vi tái xuất ở đấu trường SEA Games và người đẹp Taolu vẫn khiến khán giả phải trầm trồ bằng những bài quyền mãn nhãn, đóng góp cho đoàn thể thao chủ nhà 3 tấm HCV. “Tôi xin gửi kết quả này đến ông ngoại và người thầy đáng kính của tôi là huấn luyện viên Vũ Văn Thường của đội wushu Hà Nội. Cả hai người đều có ảnh hưởng rất lớn với tôi và không may họ đều qua đời ngay trước SEA Games 31. Tôi trân trọng từng người và kết quả này tôi có được là công sức của ông ngoại và thầy của mình” - Dương Thúy Vi bày tỏ.

SEA Games 31 còn chứng kiến cột mốc 10 năm tập pencak silat của cô gái Sơn La Quàng Thị Thu Nghĩa.

SEA Games 31 còn chứng kiến cột mốc 10 năm tập pencak silat của cô gái Sơn La Quàng Thị Thu Nghĩa. Ở trận chung kết hạng 70 - 75kg nữ, Siti Nasir của Malaysia là nhà vô địch hạng 65 - 70kg ở SEA Games năm 2017, còn Thu Nghĩa mới lần đầu tiên tham dự Đại hội. Thế nên thật dễ hiểu khi Thu Nghĩa bật khóc ngay trên thảm đấu khi trọng tài thông báo kết quả trận chung kết. VĐV Việt Nam ôm HLV Nguyễn Văn Hùng và giương cao cờ Tổ quốc chạy quanh thảm đấu với khuôn mặt đầy xúc động. "Em rất vui và tự hào khi vượt qua được bản thân, nỗ lực. Động lực của em là mẹ em ngồi trên khán đài. Em dành tặng HCV cho bố mẹ em" - Quàng Thị Thu Nghĩa chia sẻ.

Mỗi tấm HCV của các đả nữ Việt Nam là một câu chuyện về nghị lực vượt qua khó khăn, mang vinh quang về cho thể thao nước nhà. HLV Nguyễn Hoàng Ngân của Đội tuyển Karate Quốc gia cho biết, cô rất tự hào và hạnh phúc vì 19 năm trước, khi còn là VĐV cô đã đoạt 2 HCV cá nhân và đồng đội nội dung kata tại SEA Games 22. Năm nay, trên cương vị HLV, cô đã huấn luyện các nữ VĐV karate giành được thành tích giống như mình năm xưa. Nữ hoàng kata một thời nhắn nhủ các nữ VĐV hãy tự tin vào bản thân, vượt qua khó khăn để làm nên điều tuyệt vời, và “hãy tự hào là người phụ nữ Việt Nam”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận