Nhà vô địch của hai kỳ SEA Games gần nhất còn chia sẻ về kế hoạch 5 năm sắp tới, với đích nhắm là top 100 thế giới.
Với phong thái của nhà vô địch SEA Games 2019, Lý Hoàng Nam không quá khó khăn để bảo vệ thành công ngôi vương tại nội dung đơn nam môn quần vợt ở kỳ Đại hội trên sân nhà. “Nhận HCV SEA Games 31 trước khán giả Việt Nam tôi rất vui. Tôi không đặt nặng mục tiêu, thi đấu với tâm lý thoải mái và tự tin nhất. Từ đầu năm, tôi đã có chuyến du đấu ở Mexico, rồi bên châu Âu, sau đó là Thái Lan. Tôi cố gắng để được thi đấu nhiều nhất, cải thiện thứ hạng ATP của mình” - Lý Hoàng Nam cho biết.
Kể từ khi thi đấu chuyên nghiệp, thứ hạng cao nhất của Hoàng Nam là hạng 385 ATP, đạt được năm 2018. Còn hiện tại, nhà vô địch SEA Games đang nằm ngoài top 450. Nhưng nếu như không có khoảng thời gian 18 tháng “trắng giải quốc tế” do dịch bệnh, Hoàng Nam có lẽ vẫn giữ được vị trí trong top 400 thế giới, bởi phong độ hiện tại của anh đang rất cao. Tay vợt số 1 Việt Nam vừa vô địch SEA Games 31, đến đầu tháng 6 tiếp tục vô địch giải quần vợt nhà nghề ITF M15 Tây Ninh 2022. Đây là danh hiệu vô địch đơn nam nhà nghề thứ 6 trong sự nghiệp của Nam. 2 giải ITF M15 tiếp theo tại Tây Ninh cũng trong tháng 6 này, Hoàng Nam tiếp tục tham gia để hy vọng sớm lọt vào top 400 thế giới và tiến xa hơn nữa. Trên hành trình gian nan đó, Hoàng Nam sẽ rất tất bật với các kế hoạch xuất ngoại liên miên và không thể thiếu các nhà tài trợ. “Trên thế giới, muốn chơi tennis thì bạn phải giàu vì tiền bỏ ra thuê chuyên gia thể lực, HLV, rồi kinh phí đi lại, ăn ở cho những người đó nữa. Mỗi lần di chuyển là 3, 4 người đi theo, tiêu tốn số tiền lớn. Nếu như tôi không có đơn vị tài trợ chi phí thì tôi không thể nào thi đấu được. Môn tennis còn khắc nghiệt ở chỗ, ngoài top 150 ra thì bạn không kiếm được tiền từ tennis”.
SEA Games 2019 chứng kiến quần vợt Việt Nam mới lại có HCV đánh đơn ở đại hội thể thao khu vực sau 52 năm dài đằng đẵng. Vị thế đó càng được củng cố sau SEA Games 31 trên sân nhà. Nhưng nếu không có Becamex Bình Dương, rồi Hải Đăng Tây Ninh, cũng như các nhà tài trợ khác, Lý Hoàng Nam có lẽ vẫn ngoài cuộc trong các cuộc đua tranh HCV SEA Games.
Ngay từ thập niên 90, huy chương SEA Games ở nội dung đánh đơn đã là cuộc chơi dành riêng cho các tay vợt nhà nghề. Quần vợt Việt Nam mới bước vào cuộc chơi này từ năm 2016, với sự xuất hiện của Lý Hoàng Nam. Mức đầu tư cho tay vợt từng vô địch đôi nam trẻ ở Wimbledon, vào khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm. “Với thể thao thành tích cao phải có nguồn tài chính chứ không trông chờ vào ngân sách của chính phủ. Chúng ta có thể học Thái Lan và các nước xung quanh để xã hội hóa các môn thể thao. Thành công của Lý Hoàng Nam mang đậm dấu ấn xã hội hóa’ - chuyên gia Nguyễn Hồng Minh.
Với phong độ thi đấu ấn tượng trong thời gian qua, Hoàng Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tỏa sáng, qua đó thăng tiến trên bảng xếp hạng thế giới. Bản thân anh cũng đặt ra đích nhắm rất cụ thể và đầy tham vọng. “Năm nay, tôi 25 tuổi, tôi sẽ cố gắng thi đấu đến năm 30 tuổi. Vài năm nữa nếu không vào được top 100 thì tôi sẽ nghỉ, tính con đường khác. Còn hiện tại tôi chỉ biết cháy hết mình cho tennis. Nhiều HLV nói chuyện với tôi phải đánh tấn công thì mới đi xa được, tôi phải đổi lối đánh. Bây giờ tôi vào sân, đúng banh là mình phải đánh, đánh thua thì thôi, bởi khi đấu quốc tế, anh không đánh họ thì họ đánh anh trước, dồn anh vào thế bị động. Tôi muốn level mới thì tôi phải tập tấn công” - Lý Hoàng Nam chia sẻ