Đáng nói hơn, “đội bóng đất Võ” là điểm đến của thủ thành mang hai dòng máu Việt - Nga sau 4 năm “bôn ba” tại các câu lạc bộ thuộc hàng tên tuổi châu lục (Muangthong United - Thái Lan, Cerezo Osaka - Nhật Bản) khiến báo giới tốn không ít giấy mực.
Cần phải nói ngay rằng, chuyến “Đông du” đến Nhật Bản của Đặng Văn Lâm chẳng thể nói là thành công bởi vai trò của anh này ở Cerezo Osaka rất mờ nhạt - số lần ra sân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lần gần nhất cái tên Đặng Văn Lâm có tên trong danh sách của Cerezo Osaka là trận gặp CLB Nagoya Grampus tại Cúp Hoàng đế Nhật Bản hôm 13/7/2022 nhưng cũng chỉ ở vị trí dự bị. Đáng nói hơn, từ sau khi tiếp quản vị trí Huấn luyện viên trưởng Cerezo Osaka (tháng 8/2021), nhà cầm quân Akio Kogiku đã mua thêm một “kẻ gác đền” khác là Keisuke Shimizu (1988), đồng nghĩa Lâm “Tây” chỉ còn là sự lựa chọn thứ ba trong khung gỗ ở xứ mặt trời mọc. Cũng có nghĩa con đường về lại dải đất hình chữ S của cựu tuyển thủ quốc gia này đã “rộng mở” hơn bao giờ hết.
Chưa hết, kết cục buồn ấy không chỉ xảy ra với Đặng Văn Lâm. Vài năm trước, hai cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo danh tiếng Hoàng Anh Gia Lai JMC là tiền đạo Nguyễn Công Phượng, tiền vệ Lương Xuân Trường cũng lần lượt bị hai CLB Incheon United (Hàn Quốc) và Buriram United (Thái Lan) “trả về nơi sản xuất” do không đáp ứng được những đòi hỏi về chuyên môn. Tương tự như vậy, chuyến xuất ngoại rình rang chừng hai năm trước của trung vệ Đoàn Văn Hậu đến xứ sở hoa Tulip trong màu áo CLB SC Heerenveen cũng khép lại trong bẽ bàng. Thực tế trên cho thấy, những “ngôi sao” của V.League vẫn chưa thể tiệm cận mặt bằng chung các nền bóng đá hàng đầu châu lục và thế giới.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì sự kiện Đặng Văn Lâm đến Nhật Bản (cũng như vài tháng trước, tiền đạo Nguyễn Quang Hải quyết định bỏ V.League để khoác áo một đội bóng hạng hai nước Pháp) ít nhiều đã xuất phát từ “nhu cầu chuyên môn” của đối tác. Đây chính là bước ngoặt rất lớn bởi trong quá khứ, những lần xuất ngoại thi đấu của các tiền đạo Lê Huỳnh Đức (đến Chongqing Lifan - giải vô địch Trung Quốc), Lê Công Vinh (khoác áo Leixoes - Bồ Đào Nha) chỉ quẩn quanh với một trong hai mục đích: Hoặc vì mục đích thương mại, hoặc mang ý nghĩa “giao lưu học hỏi”!.
Nói cách khác, ở thời điểm hiện tại, thất bại của những Văn Hậu, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Lâm dù để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả cả nước nhưng lại rất cần thiết, để biết mặt bằng bóng đá Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ túc cầu giáo thế giới và quan trọng hơn là tìm đáp án cho câu hỏi: Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách?
Vì lẽ đó, chuyến tái hồi V.League của thủ thành họ Đặng xem ra là nước cờ rất khôn ngoan và đúng đắn. “Đại gia mới nổi” Topenland Bình Định sẽ cung cấp cho Lâm “Tây” sân khấu để thi triển tài năng (chính thức thi đấu từ giai đoạn 2 V.League 2022) cũng như một đãi ngộ đáng mơ ước (theo nhiều nguồn tin, đội chủ sân Quy Nhơn sẽ trả cho anh này mức lương không dưới 16.667USD/tháng - khoảng 390 triệu đồng/tháng).
Điều cần Đặng Văn Lâm thể hiện lúc này chính là hành động để chứng tỏ với khán giả Bình Định nói riêng, cả nước nói chung rằng: Xứng đáng với mức lương cao nhất dành cho cầu thủ nội! và rằng: Cerezo Osaka đã sai lầm khi bỏ phí một tài năng sân cỏ!
Câu trả lời sẽ có sau một thời gian nữa!