Vẫn biết với V.League, việc một CLB bị “sang tên đổi chủ”, thậm chí là đột nhiên “khai tử” chẳng còn hiếm hoi nhưng đông đảo người hâm mộ vẫn không tránh khỏi cảm giác “cay cay sống mũi”!
Chuyện một CLB bóng đá đang thuộc quyền sở hữu của người này phút chốc bị “sang tay” cho đối tượng khác đã không còn quá xa lạ ở giải đấu cao nhất quốc gia, mà điển hình là Navibank Sài Gòn chẵn một thập kỷ trước. Vốn là đội Quân khu 4, sau khi được chuyển giao cho “bầu Thọ”, có thời điểm Navibank Sài Gòn nổi lên như một “miền đất hứa” với giới “quần đùi áo số” bởi cách tiêu tiền vô tội vạ của ông bầu - cũng đồng thời là một nhà tài phiệt - trên thị trường chuyển nhượng. Những lúc hứng khởi, “bầu Thọ” không quên hứa hẹn với khán giả về một cuộc “cách mạng bóng đá phương Nam”, biến N.Sài Gòn thành “biểu tượng mới” của bóng đá nước nhà.
Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Vì nhiều lý do mà tháng 9/2012, “bầu Thọ” đột nhiên tuyên bố “nghỉ chơi”. Tập thể gần 30 con người cùng toàn bộ sân bãi, cơ sở vật chất được ông bầu này treo biển “hàng thanh lý” rồi chào bán khắp mọi nơi trong hy vọng “gỡ lại chút vốn”.
Trong một chuyển động khác, chúng ta đều biết ông bầu Đoàn Nguyên Đức là một trong những người tiên phong đầu tư tiền tỷ để xây Học viện Bóng đá, tính chuyện gắn bó lâu dài. Trong tầm nhìn “biến cầu thủ thành mặt hàng xuất khẩu”, bầu Đức đã không tiếc tiền của xây dựng sân bãi, thuê chuyên gia… Và trời đã không phụ lòng người, sau hơn 7 năm “chăm bón” (từ 2007 -2015), Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG (HAGL) đã cho “ra lò” lứa cầu thủ đầu tiên thực sự chất lượng: Công Phượng, Xuân Trường, Anh Tuấn, Văn Toàn…
Điều đáng nói là Học viện HAGL được khởi công đúng thời điểm hàng loạt ông bầu “bỏ bóng đá chạy lấy người”. Có thể nói, giữa bối cảnh niềm tin của người hâm mộ dành cho cái gọi là “tình yêu bóng đá” của các doanh nhân đã sắp “chạm đáy”, bầu Đức chính là nhân tố hiếm hoi (có thể nói là duy nhất) nhận được cái nhìn tin tưởng, trân trọng từ khán giả cả nước.
Nhưng “túng tiền tiêu” thì “tình yêu” cũng có thể… cầm cố! Đầu năm 2016, ông bầu họ Đoàn đã khiến tất cả bất ngờ khi mang chính Học viện ra thế chấp ngân hàng để lấy tiền trang trải những khoản nợ trong kinh doanh. Theo phân tích của một số chuyên gia, việc bầu Đức “cầm cố” Học viện là điều… “không có gì quá to tát”, chỉ là động thái “đảo nợ”. Điều này đúng nếu xét ở góc độ thương trường, nhưng với sân cỏ thì lại là chuyện khác. Bởi như đã nói, trong suy nghĩ của đa số khán giả, Học viện HAGL JMG không phải “tài sản” mà là đam mê, là sự cụ thể hóa “tình yêu với quả bóng tròn” mà bầu Đức từng “tuyên ngôn” trước… thiên hạ!
Trở lại câu chuyện của cựu Chủ tịch Sài Gòn FC Trần Hòa Bình. Thực tế là trong hai mùa giải “ngự” trên vị trí cao nhất đội bóng này, “bầu Bình” đã có không ít hành động nhằm bảo chứng cho phát ngôn “sống chết cùng CLB bóng đá Sài Gòn”. Chẳng hạn như với sách lược “Nhật hóa” đội bóng được cụ thể hóa bằng việc một số chuyên gia túc cầu giáo người Nhật được mời về đảm trách các vị trí rất quan trọng (trong đó có cựu huấn luyện viên trưởng Shimoda Masahiro); nhiều cầu thủ Sài Gòn FC cũng được gửi sang đất nước mặt trời mọc nhằm mục đích nâng cao ý thức, năng lực chuyên môn.
Song đó đã là quá khứ! Như đã nói, chừng một tuần trước, ông Trần Hòa Bình đã chính thức rời khỏi chiếc ghế quyền lực nhất tại đội chủ sân Thống Nhất. Chưa hết, theo nhiều nguồn tin, việc chuyển giao chỉ là một bước trong lộ trình ông Bình rút hoàn toàn khỏi đội bóng này!
Xét cho cùng thì việc “thế chấp”, “bán - mua” một đội bóng chuyên nghiệp là chuyện riêng của ông bầu; vậy nhưng người hâm mộ vẫn không tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi bởi từ lời nói đến hành động của họ chỉ là một khoảng cách… không quá dài!