Lực sĩ Lê Văn Công: Đúng người, đúng thời điểm và không ngừng cố gắng!

Tháng 8 vừa qua, lực sĩ Lê Văn Công đã giành HCV hạng 49kg nam tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 diễn ra tại Solo (Indonesia).

 

Đó là cột mốc đánh dấu 15 năm Lê Văn Công thống trị ASEAN Para Games.

Ở tuổi 38, Lê Văn Công tự hào khi nhìn lại hành trình sự nghiệp đã qua, không chỉ là thống trị ASEAN Para Games, mà còn là những tấm HCV danh giá ở đấu trường Paralympic cũng như giải Vô địch Thế giới. 15 năm theo thể thao đỉnh cao, cuộc sống của tôi bây giờ tạm ổn. Điều tôi tâm đắc nhất là bản thân đã vượt qua được chính mình để có sự hòa nhập, có nghề nghiệp và được sống với đam mê thể thao. Thêm nữa, gia đình nhỏ của tôi đang rất hạnh phúc, có hai bé ngoan ngoãn, tôi cảm thấy rất tự hào” - Lê Văn Công chia sẻ.

Ngược dòng thời gian, số phận vốn không ưu ái cậu bé người Hà Tĩnh Lê Văn Công. Bị chứng teo chân từ khi mới ra đời, Lê Văn Công thiệt thòi đủ thứ, nhưng sự thiệt thòi đó càng tăng thêm khát vọng vươn lên. Tròn 20 tuổi, Lê Văn Công rời quê nhà vào TP. HCM lập nghiệp. Anh đã làm đủ nghề, miễn có cơm ăn, áo mặc. Cuối cùng, một xưởng sửa chữa đồ điện tử đã nhận anh vào làm, nhờ thế  anh có việc làm ổn định đến bây giờ. “Một người bình thường sống ở TP.HCM chưa chắc đã có một cuộc sống tốt, huống hồ Công còn là khuyết tật. Thấy Công hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ đó là cơ duyên giữa hai thầy trò nên tôi sẵn sàng dìu dắt Công, cho Công có một cuộc sống tốt hơn” - ông Lê Văn Kỳ, thầy dạy điện tử cho Lê Văn Công, cho biết.

"Nam tiến" là quyết định đúng đắn nhất với Lê Văn Công, không chỉ giúp anh tìm được công việc phù hợp, mà còn mở ra cánh cửa đến với niềm đam mê cả đời. Trong một lần đi tuyển VĐV ở quận Tân Bình, HLV Nguyễn Hồng Phúc đã phát hiện ra những tố chất ở Lê Văn Công, đưa anh sang đội cử tạ từ năm 2005, bắt đầu làm nên tên tuổi của nhà vô dịch thế giới.

“Mới đầu tham gia tập luyện Công nói muốn theo môn cử tạ. Tôi phát hiện ra Công có năng lực bẩm sinh, sức mạnh bẩm sinh, mặc dù là cánh tay đòn của Công rất dài nhưng lại có sức mạnh” - HLV Nguyễn Hồng Phúc cho biết.

Cho rằng cơ duyên đến với môn cử tạ là “sự tình cờ”, Công kể lại: “Nhập học ở trường được khoảng 3 tháng, tôi đi học ban ngày, chiều đi làm thêm, buổi tối thì xin vào CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật TP HCM học thêm tin học. Thầy chủ nhiệm ở đấy cũng là người khuyết tật và thầy kiêm luôn chủ nhiệm CLB Thể thao quận Tân Bình, thế là thầy giới thiệu cho tôi tập luyện thể thao. Tôi lăn xe từ quận 9 về quận Tân Bình để tập mất khoảng 2,5 tiếng.  Thời điểm đó cuộc sống cũng khó, các bạn trong phòng còn đi xin cơm chay ở chùa về ăn”.

Khó khăn là thế, anh tự nhủ “các anh các chị tới tập được tại sao mình không tới được”, và cố gắng đều đặn hoàn thành các buổi tập của thầy, bất kể mưa nắng. Sau những nỗ lực ấy, anh đoạt HCV Paralympic 2016.

Ở tuổi 38, Lê Văn Công tự hào khi nhìn lại hành trình sự nghiệp đã qua.Cách đây khoảng 4 năm, Công gặp tai nạn xe máy, bị tổn thương nặng vùng xương vai. Như có phép màu, anh hồi phục nhanh chóng và đạt thành tích tốt. Người trong nghề đã giải thích rằng, chính ý chí phi thường và “thói quen” không ngừng cố gắng đã giúp Lê Văn Công trở lại ngoạn mục.  

Thể thao mang lại cho tôi rất nhiều điều. Tôi nhận được sự quan tâm và xã hội biết đến thể thao người khuyết tật nhiều hơn. Nhiều lúc tôi đi ngoài đường có người hỏi có phải anh Công cử tạ không? Tôi rất vui vì nhiều người biết đến mình và họ quan tâm tới thể thao người khuyết tật. Tôi cũng may mắn đang nằm trong danh sách VĐV trọng điểm của Đội tuyển Quốc gia, lương cố  định chưa có nhưng hưởng theo chế độ từ năm 2014 đến giờ. Tôi cùng với đội tập huấn dài hạn, chỉ một đến hai tháng trong năm không có lương. Sự quan tâm của các cấp giúp các VĐV khuyết tật an tâm tập luyện”.

Chưa thể điều trị dứt điểm chấn thương vai nên mỗi giải đấu Lê Văn Công đều phải tính toán rất kỹ, song anh cũng rất tự tin hướng tới mục tiêu chinh phục Paralympic 2024 tại Pháp./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận