Chỉ 'nhảy' khi… nước đến chân!

Mới đây, song song với việc thay HLV trưởng, Ban lãnh đạo CLB Bóng đá TP. HCM đã bơm một 'liều đô-ping' rất 'khủng':

 

1 tỉ đồng cho 1 trận thắng, 500 triệu đồng cho một trận hòa và thêm 3 tỉ đồng tiền thưởng nếu đội nhà trụ hạng thành công.

Ở mùa bóng năm nay, hậu trường CLB TP. HCM từng diễn ra cảnh cầu thủ đình công vì bị cắt giảm lương, thưởng... Đây được nhận định là một trong những nguyên nhân khiến tập thể đóng đại bản doanh tại sân Thống Nhất “lao dốc không phanh”, kể từ  giữa giai đoạn lượt đi. Sau 16 vòng đấu, thầy trò HLV Vũ Tiến Thành hiện có 13 điểm, đứng bét bảng xếp hạng, thua kém đội bóng cùng Thành phố là Sài Gòn FC 2 điểm. Vì lẽ đó, liều “đô pinh tiền” trị giá lên tới 11 tỉ đồng nếu toàn thắng ở 8 vòng đấu còn lại được xem là cần thiết và kịp thời. Quan trọng hơn, chúng tôi tin rằng, sau vài vòng đấu, nếu nhà cầm quân họ Vũ giải cứu thành công “con tàu đắm” thì đội bóng thay thế vị trí “đội sổ” của CLB Thành phố Hồ Chí Minh trên bảng xếp hạng sẽ lại vội vã “bung tiền” để… treo thưởng trụ hạng.

Lần giở lịch sử giải chuyên nghiệp V.League, chúng ta biết được, dường như đã thành lệ, cứ thời điểm giải vô địch quốc gia đi vào khúc cua cuối là người ta lại thấy những màn treo thưởng đột phá. Điển hình như mùa bóng 2015, trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” - CLB Cần Thơ chỉ hơn đội bét bảng đúng 3 điểm, trước chuyến làm khách tại Đà Nẵng (ngày 28-8-2015), Ban lãnh đạo đội bóng Tây Đô đã quyết định nâng mức thưởng lên 2,5 tỷ đồng nếu thầy trò HLV Nguyễn Thanh Danh trụ hạng thành công (cao gấp 2,5 lần so với định mức hồi đầu mùa giải). Cũng năm 2015, sân chơi “sang” nhất làng còn được chứng kiến việc một nhà cầm quân - vốn cũng chỉ làm công ăn lương - là ông Trần Bình Sự (đội Đồng Nai) sẵn sàng bỏ tiền túi 100 triệu đồng nếu các cầu thủ nhà vượt qua đối thủ cạnh tranh trực tiếp suất xuống hạng Hoàng Anh Gia Lai trong “trận cầu 6 điểm” ở vòng 23. Xa hơn nữa, khi V.League 2011 chỉ còn 4 vòng đấu sẽ kết thúc, đội Vicem Hải Phòng lúc đó  đối mặt với nguy cơ xuống hạng và những người có trách nhiệm với bóng đá thành phố Cảng đã thành lập hẳn “Ban chống xuống hạng” với ngân khoản lên tới 10 tỷ đồng.

Sự kiện nhà nhà, người người dốc cạn hầu bao chạy trốn “tử thần” dễ đưa khán giả đến giả tượng: Vé chơi V.League đang có giá trở lại, và rằng: đã qua rồi cái thời suất chơi chuyên nghiệp được “cho không biếu không” - như cách đây trên dưới một thập kỷ, ông bầu Nguyễn Đức Thụy mua lại đội bóng Navibank Sài Gòn rồi rao bán, rao biếu khắp nơi mà không ai muốn nhận. 

Một thực tế không khó để lý giải chuyện một số địa phương không màng đến suất chơi bóng chuyên nghiệp ở V.League được bầu Thụy “kính biếu” do họ không tìm đâu ra được nguồn kinh phí để nuôi mấy mươi con người. Như thừa nhận của lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và du lịch một tỉnh miền Trung nọ: chi phí cho một CLB chuyên nghiệp quá lớn, ngành và cả địa phương không “gánh” nổi nên thà từ chối ngay từ đầu còn hơn là “ôm” vào rồi “dở sống, dở chết” chẳng ai thương.

Ban lãnh đạo CLB Bóng đá TP. HCM đã bơm một “liều đô-ping” rất “khủng”.Ở phương diện khác, khi ngành (địa phương) đã sở hữu một CLB bóng đá chuyên nghiệp thì ít nhất cũng phải… chống xuống hạng. Trong trường hợp này, suất chơi chuyên nghiệp gắn với “năng lực quản lý” của một số người - họ lấy việc duy trì đội bóng, đem lại niềm vui cho hàng vạn khán giả nhà làm “báo cáo thành tích” cuối năm. Bởi vậy, số tiền nhiều tỷ được lãnh đạo một số CLB bóng đá đang ngấp nghé bờ vực xuống hạng vội vã tung ra, cố giữ đội bóng ở lại V.League chỉ đơn thuần để dễ bề ăn nói với “cấp trên”.

Chẳng thế sao khi mà một số mùa bóng “hạ màn sớm” (xác định được đội xuống hạng trước vài vòng đấu) thì những trận cầu cuối mùa luôn diễn ra trong cảnh “chợ chiều”: Nhàn nhạt, thiếu lửa và chẳng có ông bầu hay nhà cầm quân nào treo thưởng, dẫu chỉ là chút “tiền còm”?!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận