Hotgirl đa môn Trương Thị Hồng Nga: 'Phụ nữ hiện đại phải mạnh mẽ'

Bén duyên với võ thuật từ năm tuổi 12, đến nay Trương Thị Hồng Nga đã có 16 năm theo đuổi đam mê lớn nhất cuộc đời.

 

Việc dễ dàng gặt hái đủ loại huy chương từ võ cổ truyền, muay, kichboxing, vovinam,… chính là điểm nhấn làm nên tên tuổi của Trương Thị Hồng Nga.

Sinh ra và lớn lên tại quận 7, TP. HCM, Hồng Nga lần đầu biết đến võ thuật từ năm lớp 6, khi thấy hứng thú với cảnh các bạn đồng trang lứa mặc đồng phục võ cổ truyền vừa đẹp vừa oai phong. Nhưng vì ý thức được điều kiện gia đình không cho phép, cô bé lớp 6 chỉ đứng ngoài cửa ngó vào, để rồi thầy giáo thấy thương nên cho vào học miễn phí: “Lên lớp 7, em tập được 6, 7 tháng gì đó, được thầy chọn đi đánh giải thành phố, xong đi giải toàn quốc. Lúc thầy tới nhà xin cho em đi đánh giải, ba mẹ em mới biết. Ba mẹ em khi đó quan niệm rằng, con gái học võ như đàn ông, không mềm mại, nữ tính nên ba mẹ không thích, em phải nài nỉ mãi mới cho em đi học. Cuối cùng thì em đi đánh giải toàn quốc 2006 và lần đầu đi đánh em được HCV luôn. Cầm HCV về ba mẹ rất vui, cho em ít kinh phí để trang trải việc học thêm. Khi em được lên đội tuyển TP HCM, em được lương 750.000 đồng, đối với em khi đó là khá nhiều. Năm em học lớp 8 có nhiều biến cố xảy ra, ba em mất đột ngột, rồi mẹ cũng lập gia đình khác, em vào đội thành phố, đi thi đấu để lấy đồng lương đóng học” - Hồng Nga kể.

Việc dễ dàng gặt hái đủ loại huy chương từ võ cổ truyền, muay, kichboxing, vovinam,… chính là điểm nhấn làm nên tên tuổi của Trương Thị Hồng Nga.Hồng Nga có người chị bảo hộ và may mắn gặp được những người thầy, người cô tốt dẫn dắt, động viên cô nỗ lực học và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM. Theo Hồng Nga, chính biến cố cuộc sống thủa nhỏ đã khiến cô không ngừng cố gắng, đồng thời tự nhủ “bản thân mình còn không lo được thì lo cho ai nữa”. Buổi đến trường, buổi lăn lộn trên các sàn tập, cô gái sinh năm 1994 đã đổ biết bao mồ hôi, chịu bao chấn thương, để sưu tập những danh hiệu cao quý. “Võ thuật đem lại cho em nhiều thứ. Em luôn cố gắng khắc phục khuyết điểm sau mỗi trận thua, cố gắng chiến thắng bản thân. Em đánh đa môn, em còn đánh được pencak silat, được vào Đội tuyển Quốc gia pencak silat, rồi em đánh được vovinam. Kỷ niệm đáng nhớ của em là lúc chuẩn bị học lớp 12, được triệu tập đi đánh nhiều giải toàn quốc, giải Đông Nam Á, em đánh 5 môn luôn. Tất cả giải toàn quốc, đánh môn này xong lại sang môn khác, mà môn nào cũng được HCV” - Hồng Nga chia sẻ.

Năm 2014, ở tuổi 20, Hồng Nga nhập môn muay Thái. Nhờ nền tảng của võ cổ truyền và quyết tâm cao trong tập luyện, cô nhanh chóng trở thành võ sĩ chủ chốt hạng 64kg và được gọi vào Đội tuyển Quốc gia, đoạt 2 HCB châu Á, 1 HCV Đông Nam Á, 5 năm liền vô địch Quốc gia… Nhưng theo nghiệp thể thao cũng đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro chấn thương. Hồng Nga chia sẻ: “Em mới giải nghệ năm trước vì bị chấn thương gối. Em đánh võ đã được 16 năm rồi. Bị chấn thương 3 năm nay, mà em cứ cố gắng, mỗi lúc tập xong em khóc òa luôn, vì nó rất đau. Mỗi khi chuẩn bị đấu giải, em đặt mục tiêu thành tích rất cao cho bản thân, để được suất đi dự giải quốc tế, nhưng giờ dây chằng gần đứt, bác sĩ không cho tập nữa. Không được thi đấu nữa, em rất nhớ đồng đội”.

Hiện, Hồng Nga là giáo viên thể dục tại Trường THPT Ngô Gia Tự, quận 8. Cô còn là huấn luyện viên tại phòng tập Tiger Muay Club. Từ trải nghiệm về tinh thần lạc quan cùng tình yêu thương mà thể thao mang đến, Hồng Nga khẳng định rằng, thời buổi 4.0 rồi, phụ nữ cũng cần mạnh mẽ. “Em muốn truyền đạt thông điệp này cho chị em phụ nữ. Phụ nữ là phái đẹp, bản thân phải tự tin, không có gì phải e dè. Sức khỏe là quan trọng nhất, phải tập luyện thể thao. Sau những giờ làm việc, chỉ cần đến CLB để xả stress để xua tan cảm xúc tiêu cực, mang về năng lượng tích cực cho bản thân” - cô gái đa môn chia sẻ./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận