Vẫn câu chuyện 'Cuội bán vịt trời'!

Bản quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam từ mùa bóng 2022 - 2026 được VPF bán cho tập đoàn FPT với giá 57 tỷ đồng/mùa.

 

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, hãy nhắc lại một chuyển động tương tự, từng diễn ra cách đây chẵn một thập kỷ.

Trước năm 2012, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là đơn vị tổ chức V.League và về lý, VFF được toàn quyền thương thảo quyền lợi liên quan đến việc phát sóng các giải quốc nội. Trên tinh thần ấy, VFF đã chọn Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) và “bán đứt” cho đối tác này quyền khai thác hình ảnh với thời hạn lên tới… 20 năm.

Rắc rối xảy ra khi một số ông bầu đòi “ly khai” khỏi Liên đoàn. Họ đứng ra thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với chức năng lớn nhất là tổ chức V.League. Ngay sau khi đi vào hoạt động, một trong những việc đầu tiên VPF nghĩ đến là xem lại nội dung bản hợp đồng mà VFF đã ký với AVG trước đó. Theo lãnh đạo VPF, nhiệm kỳ của lãnh đạo VFF chỉ có 4 năm nên sẽ rất phi lý nếu họ bán bản quyền truyền hình trong hai thập kỷ tới. Một số ký giả cho rằng, việc VFF bán hình ảnh trong 20 năm tới chẳng khác gì… Cuội bán vịt trời (thứ không thuộc sở hữu của mình)! Những “lùm xùm” ấy khiến báo chí tốn rất nhiều giấy mực và rất lâu sau mới khép lại do có sự chỉ đạo của các cơ quan cấp cao hơn.

Từ mùa bóng 2017, các gói truyền hình của túc cầu giáo nước nhà được VPF  bán cho Công ty Cổ phần Giải pháp Truyền hình Thế hệ mới Next Media theo một phương thức khá “kì lạ”: Mỗi năm Next Media sẽ trả cho VPF 1 tỉ đồng tiền mặt (năm 2021 được nâng lên hai tỷ đồng) cùng một thời lượng quảng cáo truyền hình nhất định. Những thỏa thuận này có hiệu lực đến khi mùa bóng 2022 hạ màn.

Song chỉ một năm sau, sau khi chính thức nhậm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VPF khóa III (2018-2022), ông Trần Anh Tú đã giở lại bản hợp đồng bản quyền truyền hình mà những người tiền nhiệm đã ký trước đó (với công ty Next Media) và nhận thấy “có một số bất cập về mặt pháp lý và quyền lợi của VPF cũng như các giải VPF đang điều hành”, đáng chú ý là chi tiết: Thời hạn ràng buộc đến năm 2022 mới đáo hạn.

Bản quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam từ mùa bóng 2022 - 2026 được VPF bán cho tập đoàn FPT với giá 57 tỷ đồng/mùa

Thực tế ấy khiến dư luận không thể không đặt ra câu hỏi: Tại sao nhiệm kỳ VPF chỉ có 4 năm - tức đến năm 2018 sẽ mãn nhiệm mà lãnh đạo VPF khóa II vẫn bất chấp để một lần nữa sắm vai… “thằng Cuội”!

Trở lại gói thương quyền truyền hình mới nhất của VPF. Như chúng ta đã biết, FPT sẽ trả 57 tỉ đồng để toàn quyền phát sóng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam gồm: V.League, hạng Nhất Quốc gia và Cup Quốc gia trong bốn năm. Và ngân khoản này sẽ được VPF đầu tư cho “trọng tài công nghệ” (VAR), thuê trọng tài ngoại, tập huấn trọng tài nội, đầu tư cho các đội bóng… Rõ ràng, so với hơn nửa thập kỷ trước - do chất lượng giải đấu xuống thấp nên bản quyền truyền hình trở thành thứ “hàng kém giá trị”, đến mức không ít bận phải “đổi ngang” lấy 30 phút quảng cáo giữa hai hiệp - thì lần này, VPF vừa được một khoản tiền lớn, vừa tránh được tình trạng “chẳng ma nào thèm ngó tới”.

Nhưng điều đó không che lấp được thực tế: Việc lãnh đạo VPF khóa III (2018 - 2022) bán bản quyền đến tận năm 2026 vẫn là câu chuyện “Cuội bán vịt trời” phiên bản mới.

Không còn nghi ngờ gì nữa, việc lãnh đạo khóa trước “tạm ứng” tiền hình ảnh của khóa sau nhiều phần phản ánh thứ “tư duy nhiệm kỳ” - trong thời gian nắm quyền cứ “ký bừa”, “ký ẩu”, nếu có khúc mắc thì… nhiệm kỳ sau giải quyết - từng nhiều lần diễn ra trong ngôi nhà bóng đá Việt./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận