'Tuyển' Chủ tịch VFF không phải là tuyển sinh lớp 10

Đã nhiều lần, vị trí lãnh đạo 'tối cao' của Liên đoàn rơi vào tình trạng chẳng cần nộp hồ sơ cũng… trúng chắc.

 

Những năm gần đây, truyền thông, cộng đồng mạng không ngừng bàn tán về  “cuộc chiến khốc liệt” mỗi dịp mùa hè đỏ lửa: Cuộc chiến thi vào lớp 10; trong khi đó vị trí lãnh đạo “tối cao” của Liên đoàn Bóng Việt Nam lại rơi vào tình trạng chẳng cần nộp hồ sơ cũng… trúng chắc.

Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông công lập không chuyên năm học 2022 - 2023, trường Yên Hòa giữ ngôi vị “quán quân” về tỉ lệ chọi: 3,03. Cụ thể hơn, chỉ tiêu tuyển sinh của trường này là 675 nhưng có tới 2.048 học sinh đăng ký nguyện vọng 1; có nghĩa những học sinh trúng tuyển phải vượt qua 1.373 “đối thủ”; cũng có nghĩa hơn 2/3 lượng học sinh còn lại sẽ phải “hạ ước mơ” xuống các trường thuộc nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Mà không chỉ riêng Thủ đô “nghìn năm văn hiến”, ở nhiều đô thị khác, tỉ lệ trẻ em được nhập học đúng tuyến “gay gắt”, “khốc liệt” không hề thua kém (thậm chí còn cao hơn) so với tuyển sinh đại học.

Chẳng biết khi “đổ mồ hôi” để nộp hồ sơ cho con và từng ngày phấp phỏng ngóng đợi kết quả tuyển sinh, các bậc phụ huynh có nhìn về trụ sở Liên đoàn Bóng đá nước nhà (VFF) mà mơ ước hay không (?), bởi Đã nhiều lần, vị trí lãnh đạo “tối cao” của Liên đoàn rơi vào tình trạng chẳng cần nộp hồ sơ cũng… trúng chắc.

Chẳng hạn như ở Đại hội VII (năm 2014), trước giờ chốt danh sách nhân sự, VFF đã khiến người hâm mộ cả nước sửng sốt trước thông tin: Hai vị trí “đầu não” là Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn chỉ có duy nhất 01 ứng viên (ông Lê Hùng Dũng cho vị trí Chủ tịch và 1 Vụ trưởng của Tổng cục Thể dục thể thao là ông Trần Quốc Tuấn cho vị trí “Phó chuyên môn”). Dĩ nhiên, ở những cuộc đua không có đối thủ như thế, chuyện bầu bán chỉ còn là thủ tục.

Còn tại Đại hội VIII 4 năm về trước; ban đầu, vị trí ứng viên cho ghế chủ tịch VFF khá “chật chội” khi có tới 4 gương mặt sáng giá là Trần Quốc Tuấn (Phó Chủ tịch Liên đoàn khóa VII); Nguyễn Công Khế (nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên), Giám đốc Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa và Lê Quý Phượng - Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao 2 (thành phố Hồ Chí Minh). Song, càng cận kề ngày tổ chức Đại hội, lượng ứng cử viên càng “co” lại (có người tự nguyện rút lui, cũng có kẻ “rụng” vì “dính” đơn thư kiện cáo) để rồi trước giờ “gút danh sách”, chiếc ghế “nóng” nhất làng cầu quốc nội chỉ còn duy nhất 1 ứng viên là nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Lê Khánh Hải.

Câu chuyện “một mình một ngựa” lại tiếp tục tái diễn ở Đại hội IX (khai mạc vào ngày 6/11) tới đây. Theo Liên đoàn, sau gần 1 tháng công bố các ứng viên đã hoàn thiện hồ sơ, đủ tư cách tham gia ứng cử vào các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, Ban kiểm tra, Ban chấp hành VFF khóa 9, nếu các cương vị phó chủ tịch VFF phụ trách các mảng: tài chính - tài trợ, chuyên môn và truyền thông có số lượng khá đông đảo: 8 hồ sơ (13 vị trí trong Ban chấp hành cũng có 25 người tranh cử) thì trong danh sách chạy đua vào chức danh cao nhất: Chủ tịch VFF chỉ có duy nhất ông Trần Quốc Tuấn (quyền chủ tịch VFF khóa 8).

Nói cách khác, chuyện “người họ Trần” chính thức tiếp nhận chức danh chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kì tới chỉ còn là vấn đề thời gian.

Câu chuyện “một mình một ngựa” lại tiếp tục tái diễn ở Đại hội IX (khai mạc vào ngày 6/11) tới đây.

Hiện có nhiều cách nhìn nhận, lý giải về việc “chiếc ghế nóng” gần như đã “nằm trong túi” ông Trần Quốc Tuấn nhưng về đại thể, cả dư luận cũng như những ai manh nha ý tưởng đua tranh (nếu có) đều cho rằng: Vì không có “cửa” lật ngược tình thế nên chấp nhận “nằm im”, chờ dịp khác.

Trước thực tế chỉ có duy nhất nhất ứng cử viên cho chức chủ tịch VFF trong liên tiếp mấy kỳ Đại hội, nhiều khả năng câu chuyện đề cử - ứng cử - bầu cử của Liên đoàn sẽ tiếp tục khiến truyền thông nước nhà tốn thêm không ít giấy mực. /.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận