Nếu như 4 năm trước, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) gây sốc với người hâm mộ toàn cầu khi sử dụng “trợ lý trọng tài video” (VAR) tại World Cup 2018 thì năm nay, ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trên đất Qatar, tiến thêm một bước, FIFA còn áp dụng công nghệ bắt việt vị bán tự động. Công nghệ mà theo nhận định của các chuyên gia: Đã giúp công tác “cầm cân nảy mực” ở World Cup 2022 “gần đạt đến sự hoàn mĩ”.
Bước nhảy vọt từ VAR lên công nghệ bắt việt vị bán tự động biểu hiện ở chỗ: Công nghệ VAR mới chỉ căn cứ vào video để nhận định cầu thủ đã việt vị hay chưa, còn công nghệ bán tự động dựa vào 12 camera quang học chuyên dụng đặt trên nóc sân vận động, hoạt động cùng lúc, phân tích được chính xác 29 điểm trên người mỗi cầu thủ. Bên cạnh đó, quả bóng thi đấu chứa bộ cảm biến IMU (đơn vị đo quán tính) có thể cung cấp dữ liệu 500 lần mỗi giây (camera thông thường chỉ ghi được tối đa 50 hình/giây). Tất cả sẽ tổng hợp thông tin, hình ảnh và gửi đến phòng VAR trong vòng vài giây.
Nhờ sự nhanh nhạy, chính xác của công nghệ mà nhiều pha “ăn vạ” hay “vờ ngã trong vòng cấm địa” của các “kịch sĩ” nhanh chóng bị vạch trần; số lượng các tình huống penalty (cũng như bàn thắng ghi trong tư thế việt vị) tăng lên đáng kể. Đáng nói hơn, nhiều tình huống 11m được quyết định sau khi người điều khiển trận đấu nhận thông tin từ phòng VAR. Không còn nghi ngờ gì nữa, thế mạnh của công nghệ đã giúp hầu hết các trận bóng tại World Cup 2022 mãn cuộc trong sự công bằng, minh bạch (ngoại trừ bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 trong trận Nhật Bản - Tây Ban Nha ở bảng E). Người ta đã không còn phải nghe những tiếng phàn nàn, tiếc nuối, đại để như: “Giá mà trọng tài chính xác hơn” bởi sau hơn 40 trận đấu (vòng bảng và vòng 1/8) - chưa có vị “vua sân cỏ” nào bị biến thành “con dê thế tội”.
Các nhà tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia V.League cũng nhanh chóng nhận thấy những ưu thế vượt trội của công nghệ so với các vị trọng tài “bằng xương bằng thịt”. Chẳng thế mà tại V.League 2019, công nghệ VAR đã được Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đưa vào thí điểm nhưng “cải biến”, điều chỉnh sao cho phù hợp với… túi tiền của VPF. Cụ thể hơn, nếu như “bộ tiêu chí” của FIFA là 48 máy quay thì VPF chỉ dùng 8 máy. Chưa hết, thay vì phải sử dụng đội ngũ chuyên nghiệp hoặc “đào tạo lại” nhân sự theo đúng chuẩn “trọng tài VAR” thì Ban tổ chức lại mời những cựu “vua áo đen” đã… nghỉ hưu nhưng sức khỏe vẫn đảm bảo để “đọc hình ảnh” từ máy quay để… tiết kiệm chi phí. VAR cũng chỉ được sử dụng từ vòng 14 và cũng chỉ có một đến hai trận cầu “nóng” hoặc khả năng “có mùi” được “soi” dưới camera giám sát.
Nói cách khác, nếu như VAR của thế giới đồng nghĩa với chính xác gần như tuyệt đối thì VAR của V.League chỉ mang tính tương đối. Chẳng có gì đảm bảo số lượng 8 máy quay (đạt 1/6 so với yêu cầu) cùng chuyên môn của những trọng tài đã “về vườn” sẽ đảm bảo cho một trận đấu diễn ra khách quan, sòng phẳng. Giải pháp tình thế này, đương nhiên cũng xuất phát bởi nguyên nhân “cái khó bó cái khôn”.
Thật vậy, theo tính toán, mỗi trận đấu, công nghệ VAR tiêu tốn khoảng 4-5 tỷ đồng chi phí vận hành. Điều này có nghĩa chỉ cần áp dụng VAR theo tỉ lệ 1 trận/ vòng đấu thì chi phí phát sinh đã tăng lên hơn 100 tỷ đồng/ mùa giải - bài toán chưa có lời giải với Ban tổ chức thời điểm này.
Vì lẽ đó, quả bóng V.League cứ tiếp tục lăn hết mùa giải này qua mùa giải khác, trong sự bất bình của không ít câu lạc bộ về năng lực trọng tài. Lấy chính V.League 2022 làm điểm quan sát. Do công tác điều khiến các trận cầu chuyên nghiệp chỉ được điều hành bởi các trọng tài nội “người trần mắt thịt” nên hầu như vòng đấu nào cũng có sai sót; khi thì từ chối một bàn thắng hợp lệ, lúc lại “tưởng tượng” ra một quả phạt đền mà điển hình là việc trọng tài Ngọc Châu công nhận bàn thắng ghi bằng tay của Xuân Nam tại vòng 6 mùa bóng năm nay (trận Sài Gòn FC - Topenland Bình Ðịnh).
Nghiệt ngã hơn, không chỉ cầu thủ, người hâm mộ mà ngay cả VPF cũng trông chờ đến ngày VAR được áp dụng phổ biến - trong tư thế mong đợi ngậm ngùi” vì chẳng biết “đào” đâu ra vài trăm tỉ đồng mỗi năm.