Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn đã nhận định như vậy về hai đấu trường quan trọng trong năm 2023.
2022: Dấu ấn SEA Games 31
Nhìn lại thành tựu của thể thao nước ta trong năm 2022, nổi bật hơn cả là thành công của SEA Games 31. Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc để lập nên cột mốc kỷ lục hơn 200 HCV. Bên cạnh đó, SEA Games 31 được tổ chức thành công còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vậy khó khăn lớn nhất mà Ban tổ chức SEA Games 31 gặp phải là gì, thưa ông?
Điều chúng tôi cảm thấy khó khăn nhất là không triển khai được các nhiệm vụ. Vì dịch bệnh nên người đang làm ngày hôm nay thì ngày mai lại cách ly ở nhà, mà lại toàn những bộ phận chủ chốt. Để triển khai các nhiệm vụ thì phải có kinh phí kịp thời, trong khi mọi thứ bị trì hoãn. Cuối cùng chúng ta chỉ có hơn 3 tháng để chuẩn bị tổ chức một kỳ SEA Games. Một mình tôi được giao 3 nhiệm vụ: tổ chức, quản lý, vận hành tài chính và thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam. Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy không có lối ra. Nhưng chúng ta biến cái không thể thành có thể. May mắn nhất là khi test Covid-19 cho các HLV, VĐV, trọng tài, các lực lượng tham dự, số người bị nhiễm Covid-19 rất ít. Trong quá trình tổ chức có những lúc trời mưa sấm chớp rất lớn, nhưng đến lúc khai mạc, hoặc trước trận bóng đá, thì trời lại rất đẹp. Có thể nói SEA Games để lại rất nhiều ấn tượng, dấu ấn đẹp cho mọi người.
Trong những ngày diễn ra SEA Games 31, ấn tượng nhất là các khán đài đầy ắp khán giả. Chứng kiến bầu không khí cổ vũ cuồng nhiệt như vậy, sau 2 năm các giải đấu gần như bị đóng băng, đã mang đến cho ông cảm xúc gì?
Có những hình ảnh rất xúc động. Đó là bố mẹ, anh chị em của các VĐV ở tận Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng,... cũng ra Hà Nội để cổ vũ cho con em mình thi đấu. Bên cạnh đó, tất cả khán đài, người hâm mộ cả nước đến rất đông để ủng hộ vận động viên thi đấu. Chính điều đó tạo nên một kỳ SEA Games ấn tượng.
Sau mỗi kỳ Đại hội lớn, ngành thể thao đều tổ chức họp tổng kết rút kinh nghiệm. Vậy sau SEA Games 31, đâu là bài học lớn nhất, thưa ông?
Rút kinh nghiệm đầu tiên là chuẩn bị lực lượng. Đây là khâu then chốt, quyết định đến thành tích. Vấn đề thứ hai là chúng ta phải tạo cơ hội cho VĐV, tìm mọi nguồn lực giúp họ được thi đấu. Tập huấn thôi chưa đủ, mà phải thi đấu. Đây là điều mà ngành thể thao nói chung và từng bộ môn, Liên đoàn nói riêng vẫn còn những hạn chế. Thứ ba, để đạt được thành tích cao, các VĐV ngoài việc chuẩn bị tốt, được tạo điều kiện tốt, còn phải rèn luyện ý chí, nghị lực, nhất là trong điều kiện rất nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư.
2023: Lời khẳng định của một nền thể thao cường thịnh
Từ SEA Games 31 đến SEA Games 32 chỉ còn 4 tháng. Quỹ thời gian hạn hẹp như vậy gây ra áp lực gì với thể thao nước ta?
Sau khi tổ chức xong SEA Games 31, chúng ta nghĩ ngay đến SEA Games 32. Thời gian chỉ còn vài tháng. Lực lượng thi đấu đã lên danh sách hết rồi. Có những đội VĐV tập huấn từ ngày 1/1/2023, và có những đội sau Tết Âm lịch trở lại tập luyện. Số lượng môn thi đấu mà Campuchia công bố, chúng ta đã rà soát. Bên cạnh đó, những môn thể thao không có trong SEA Games, chúng ta cũng chuẩn bị lực lượng cho ASIAD. Tóm lại, chúng ta chuẩn bị đồng thời là cả ba nhiệm vụ trong năm 2023, ngoài SEA Games, ASIAD, còn có vòng loại Olympic.
Nước chủ nhà Campuchia đã điều chỉnh rất nhiều các nội dung thi đấu, theo hướng cắt giảm đáng kể các nội dung Olympic. Điều này tác động ra sao đến định hướng của thể thao nước ta, cũng như mục tiêu duy trì vị trí trong top 3 toàn đoàn trên bảng xếp hạng chung cuộc, thưa ông?
Chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều với Hội đồng Thể thao Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng, đây vẫn là “vùng trũng”. Cho nên vẫn có sắc màu của nước chủ nhà, đó là nét văn hóa Đông Nam Á và chúng ta phải chấp nhận. Trong cuộc chơi tại SEA Games 32, số môn thể thao trọng điểm của chúng ta không được đưa vào thi đấu khá nhiều, VD như bắn súng, rowing, và một vài môn thế mạnh của Việt Nam. Tính sơ bộ, chúng ta mất vài chục HCV. Song, về mục tiêu, chúng ta vẫn là top 3. Với số lượng môn thi đấu của SEA Games 32, mục tiêu ở trong top 3 có thể đạt được.
Với SEA Games 32, chúng ta có thể đợi chờ những cơn mưa vàng, nhưng với đấu trường châu lục ASIAD Hàng Châu 2023 thì khác. Nhìn lại ASIAD 2018 tại Indonesia, chúng ta có 4 HCV (rowing, điền kinh, và hai của pencak silat). Hơn 4 năm qua chứng kiến nhiều đổi thay tích cực. Liệu thể thao Việt Nam có thể đặt mục tiêu vượt qua cột mốc 4 HCV?
Nhìn vào thực lực VĐV Việt Nam và trong điều kiện chúng ta đảm bảo các điều kiện tốt nhất để đào tạo VĐV thì Việt Nam có thể đạt được trên 10 HCV. Nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải tìm kiếm từng tấm HCV một. Cho nên tại ASIAD 19 này, cột mốc 4 HCV tại ASIAD 18 chúng ta khó đánh đổ được. Vì chúng ta phải căn cứ vào lực lượng hiện có. VD như trường hợp của Thu Thảo nhảy xa, ASIAD 18 đoạt HCV, nhưng đến ASIAD 19 này, ai sẽ là người của điền kinh tham gia vào top giành giật HCV? Từ nay đến ASIAD còn khoảng hơn 8 tháng, những môn thể thao liên thông với SEA Games các VĐV chuẩn bị bình thường, các môn còn lại sẽ chuyên biệt chuẩn bị ngay. Và thể thao Việt Nam vẫn đặt mục tiêu là phải có môn Olympic đoạt HCV ASIAD.
Cùng với SEA Games 32, rồi ASIAD, năm 2023 đầy bận rộn và háo hức của thể thao Việt Nam còn chứng kiến một cột mốc lịch sử, đó là sự kiện Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam lần đầu góp mặt ở VCK World Cup. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong hành trình vươn tầm thế giới của thể thao Việt Nam, thưa ông?
Chúng ta phải đánh giá đúng thực lực của mình. Ở khu vực Đông Nam Á, đối với bóng đá nữ thì rất ít đội. Trong nước cũng rất ít địa phương đào tạo VĐV bóng đá nữ. Do vậy, nguồn lực để tuyển chọn vào ĐTQG bị hạn chế. Bây giờ, Đội tuyển đã vào đến World Cup rồi, nhưng để đánh giá một cách thực chất thì chúng ta đến World Cup với tinh thần thi đấu để trao đổi, học hỏi, rút kinh nghiệm, chứ hy vọng có thành tích là rất khó. Dù sao thì đây cũng là bước ngoặt của bóng đá nữ Việt Nam. Đội tuyển nam cũng phải có mục tiêu để vào World Cup.
Xin cảm ơn ông!
Ngô Đức thực hiện