Trước đó, mâu thuẫn tưởng đã được “tháo ngòi nổ”, bỗng dưng lại “dậy sóng” khi mới đây, Toà án Nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) xác nhận đã tiếp nhận đơn của CLB Bóng đá HAGL kiện Công ty VPF độc quyền tài trợ V.League vào lúc 9h45 ngày 7/2/2023.
Trước hết, cần phải thấy rằng, ở sân cỏ quốc nội, chuyện ông bầu, cầu thủ, huấn luyện viên, thậm chí là cả Liên đoàn Bóng đá Viêt Nam (VFF) lôi nhau… ra tòa không phải là hiếm. Mùa bóng 2005, trụ sở của tổ chức điều hành túc cầu giáo cao nhất cả nước “dậy sóng” khi bất ngờ nhận được phán quyết của Tòa án Thể thao Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), buộc VFF phải đền bù cho cựu HLV trưởng Christian Letard toàn bộ số tiền lương 157.000USD và 60.000USD tiền phạt vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Phán quyết này bắt nguồn từ việc tháng 2 năm 2002, VFF đã ký bản hợp đồng có thời hạn 2 năm với HLV Christian Letard. Thế nhưng, chỉ sau 5 tháng, sau “thất bại toàn tập” ở LG Cup cùng năm, Liên đoàn đã quyết định “đường ai nấy đi”. Song, có vẻ như 3 tháng lương “đền bù” không xoa dịu được sự ấm ức của nhà cầm quân ngoại quốc nên ông Letard đã “gõ cửa” Tòa án Thể thao FIFA và được xử thắng kiện sau 3 năm như đã nói.
Ở phạm vi hẹp - giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia V.League, cựu bầu xứ Thanh Nguyễn Văn Đệ vốn xuất thân doanh nghiệp, không xa lạ gì với các bản hợp đồng làm ăn đã cho thấy sự am hiểu luật lệ nhất định khi “hạ đo ván” hàng loạt cầu thủ: Nguyễn Mạnh Dũng, Ngô Anh Tuấn, Nguyễn Quốc Vượng, Lê Bật Hiếu, Nguyễn Việt Thắng… trong những cuộc chiến pháp lý.
Tương tự như vậy là hàng loạt bận “đấu lý” giữa hai cầu thủ: Ngọc Điểu và Đức Linh với “đội bóng Tây Đô” năm 2015; giữa Lê Bật Hiếu với CLB Than Quảng Ninh tại V.League 2014; chuyện đòi tiền lương giữa cầu thủ và lãnh đạo đội bóng Kiên Giang ở giải chuyên nghiệp 2013. Mùa bóng 2020, cựu chiến lược gia Fabio Lopez sau khi bị sa thải, thậm chí đã kiện lãnh đạo đội bóng bên bờ sông Mã lên tận FIFA.
Trở lại chuyện của đội bóng đóng đại bản doanh tại Cao nguyên Pleiku, như chúng ta đã biết, ngày 15/1/2023, lãnh đạo CLB HAGL hồ hởi thông tin với báo giới: Đã đàm phán thành công và ký hợp đồng tài trợ với một nhãn hàng nước tăng lực. Tuy nhiên, VPF cho rằng hợp đồng đó đã phạm quy bởi tổ chức này đã thông báo tại Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (ngày 26/12/2022) về ngành hàng độc quyền V-League 2023 gồm nước tăng lực và bóng thi đấu.
Xung đột giữa hai bên đã lên tới đỉnh điểm khi ông bầu Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ bỏ giải nhưng rất may sau đó, “quả bom” đã được “tháo ngòi” bằng đề xuất từ phía HAGL: giữ tên gọi nhà tài trợ nhưng bỏ ngành hàng nước tăng lực khỏi các vị trí quảng bá trong sân Pleiku và VPF đã chấp thuận sau khi trao đổi với nhà tài trợ chính V.League 2023 (ngày 2/2/2023). Nhưng thật bất ngờ là chỉ chưa đầy 1 tuần sau, lá đơn của lãnh đạo đội bóng HAGL mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết đã được gửi đến Toà án Nhân dân quận Nam Từ Liêm.
Ai đúng, ai sai thì còn phải chờ kết luận cuối cùng của nơi thụ lý hồ sơ. Chỉ biết, ở thời điểm hiện tại, việc các cá nhân hay tổ chức ở V.League không ngần ngại “đáo tụng đình” chính là tiếng chuông báo động cần thiết đối với làng cầu quốc nội, nhắc nhở các bên cần phải thận trọng, “cảnh giác” hơn khi soạn thảo, ký kết các văn bản pháp lý. Điều này dẫu nghiệt ngã nhưng lại vô cùng cần thiết bởi ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp, “cái lý” không chỉ dừng ở cấp độ muốn giải quyết rốt ráo, triệt để mâu thuẫn mà còn là những luồng gió mới, suy nghĩ mới dẹp bỏ những “tàn dư” của thứ bóng đá bao cấp, thiên về tình cảm, “đóng cửa bảo nhau”./.