Bởi vậy, với các VĐV vắng mặt ở sân chơi khu vực sắp tới đây, họ không hề nhàn rỗi.
Tại SEA Games 32, các VĐV Đông Nam Á sẽ tranh tài ở 36 môn với 591 bộ huy chương được trao. Đây là số bộ huy chương kỷ lục. Nước chủ nhà đưa vào không ít môn thi địa phương và ngược lại, loại bỏ khá nhiều bộ môn Olympic, như: đấu kiếm, bắn súng, bắn cung, rowing, canoeing... “Thể thao ở Đông Nam Á vẫn còn là vùng trũng nên còn có sắc màu của nước chủ nhà. Đó là nét văn hóa Đông Nam Á và chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi này. Tại SEA Games 32, nhiều môn thể thao trọng điểm của chúng ta không được đưa vào thi đấu như: bắn súng, rowing, canoeing, và một vài môn thế mạnh của Việt Nam nữa. Tôi chỉ tính sơ bộ chúng ta mất vài chục HCV” - ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, phân tích.
1 năm trước, tại SEA Games 1, bắn súng Việt Nam đóng góp tới 7 HCV vào thành tích nhất toàn đoàn. Vắng mặt ở đấu trường khu vực vào tháng 5 tới đây tại Campuchia, bắn súng Việt Nam dồn toàn lực cho các nhiệm vụ lớn hơn. “Chúng tôi tập trung vào huấn luyện và chuẩn bị các giải đấu tại vòng loại Olympic và ASIAD. Chúng tôi đang cố gắng để tìm kiếm nhân tài, đội ngũ các em đang rất mới. Trong súng ngắn nam, chúng tôi tập trung cho Quang Huy, Công Minh để chuẩn bị cho các giải đấu tới” - HLV Hoàng Xuân Vinh cho biết.
Đội tuyển Bắn súng Quốc gia hiện có một số gương mặt xuất sắc đủ sức cạnh tranh trong cuộc đua giành suất dự Thế vận hội, cũng như tranh chấp huy chương ASIAD. Điều này được minh chứng phần nào qua Cúp bắn súng hơi châu Á 2023, được tổ chức tại Jakarta - Indonesia từ ngày 1 - 10/3 vừa qua. Đây là dịp để 8 xạ thủ nước ta cọ xát trước ASIAD 19 và họ đã thành công ngoài mong đợi với 1 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Nguyễn Thùy Trang giành HCV 10m súng ngắn nữ, bộ ba Phí Thanh Thảo, Lê Thị Mộng Tuyền và Trần Hoàng Gia Bảo giành HCB 10m súng trường hơi đồng đội nữ. Riêng Phí Thanh Thảo giành HCĐ cá nhân, trong khi đó ê -kip Lại Công Minh, Phạm Quang Huy và Phan Công Minh giành HCB 10m súng ngắn hơi đồng đội nam, cá nhân Phạm Quang Huy cũng giành HCĐ.
Tương tự bắn súng, đua thuyền Việt Nam (với rowing và canoeing) là bộ môn được đầu tư và mang lại nhiều thành tích cao, gồm cả những tấm HCV quý giá tại đấu tường ASIAD 18 của các nữ VĐV Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Huệ. Tại SEA Games 31, đua thuyền Việt Nam xuất sắc dẫn đầu với 16 HCV. Qua Giải rowing và canoeing Vô địch trẻ Quốc gia năm 2022, đua thuyền Việt Nam đã phát hiện một số gương mặt VĐV xuất sắc ở lứa tuổi từ 15 - 19. Tiếc rằng đà thăng hoa đó bị chững lại đôi chút khi phải vắng mặt ở SEA Games 32. “Em cảm thấy buồn khi bộ môn của mình không có tên trong danh sách SEA Games 32, nhưng chúng em vẫn tập trung tập luyện, cùng cố gắng ở ASIAD” - tay chèo canoeing Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
HLV Lưu Văn Hoàn của Đội tuyển Canoeing Quốc gia bày tỏ sự hụt hẫng vì môn canoeing là thế mạnh của thể thao Việt Nam, cũng như lứa VĐV hiện tại của canoeing Việt Nam đang trong độ tuổi chín nhưng không được tham dự SEA Games 32. Tuy nhiên, ông bày tỏ quyết tâm: “Đội tập trung cao độ để đến tháng 9 này đạt được phong độ tốt nhất, hướng tới đạt thành tích cao nhất tại đấu trường ASIAD”.
Thể thao Việt Nam đang rất tích cực chuẩn bị cho ASIAD 19. Quá trình chuẩn bị lực lượng VĐV được thực hiện liên thông cho 3 nhiệm vụ tại SEA Games, ASIAD và Vòng loại Olympic. “Từ nay đến ASIAD, những môn thể thao liên thông với SEA Games thì các VĐV chuẩn bị bình thường, các môn còn lại sẽ chuyên biệt chuẩn bị cho ASIAD. Thể thao Việt Nam vẫn đặt mục tiêu là phải có môn Olympic đoạt HCV ASIAD” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn, khẳng định.
Theo đánh giá chuyên môn của ông Trần Đức Phấn, với thực lực VĐV của Việt Nam, nếu đảm bảo được các điều kiện tốt nhất, thì có thể đạt được trên 10 HCV ASIAD. Nhưng trong điều kiện hiện nay, thể thao nước ta vẫn phải đi tìm kiếm từng tấm HCV một, thế nên tại đấu trường châu lục vào tháng 9 tới đây ở Hàng Châu, Trung Quốc, mục tiêu đặt ra vẫn là giành từ 3 - 5 HCV.