Thì chuyến “Đông du” của một chân sút khác, rất sáng giá của sân cỏ nước nhà là Nguyễn Công Phượng - cũng chẳng hứa hẹn tương lai tươi sáng khi cầu thủ 28 tuổi này liên tục ngồi trên băng ghế dự bị ở Yokohama FC (Nhật Bản).
Theo thống kê, đội bóng của Công Phượng hiện mới chỉ kiếm được 1/15 điểm tối đa. Đồng nghĩa Ban huấn luyện Yokohama FC phải liên tục thử nghiệm và “xáo” đội hình, song những gì dành cho Công Phượng vẫn là con số 0 tròn chĩnh (chưa một lần ra sân). Dĩ nhiên, J-League 2023 mới chỉ đi qua chặng đầu, nói cách khác là vẫn còn cơ hội cho chân sút trưởng thành từ lò đào tạo lừng danh tại dải đất hình chữ S: Học viện Arsenal JMG - nên chắc chắn, cả khán giả lẫn Công Phượng vẫn chưa thôi hy vọng về một sự đổi thay.
Đó cũng là quãng thời gian người đồng hương của Phượng - Quang Hải “mất hút” trong đội hình của nhà cầm quân Didier Tholot. Chưa dừng lại ở đó, theo một số nguồn tin, “Hải con” đã không còn nằm trong chiến lược sử dụng của Pau FC khi tập thể này đã điền tên anh vào danh sách được đem cho mượn. Đây quả là “trái đắng” khó nuốt với người hâm mộ cả nước, bởi chúng ta đã có đáp án khá rõ ràng về mặt bằng bóng đá Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Thật vậy, nếu như Quang Hải “chân ướt chân ráo” sang Pháp - một môi trường bóng đá hoàn toàn mới mẻ, đòi hỏi thích nghi và phát huy năng lực trong thời gian ngắn là phi thực tế thì với Công Phượng, đây là “lần thứ n” cầu thủ này xuất dương. Đáng nói hơn, trong số các nền bóng đá Phượng từng kinh quang (Bỉ, Nhật, Hàn Quốc) thì xứ Phù Tang là lần thứ hai tiền đạo sinh năm 1995 gửi gắm sự nghiệp (9 năm trước, Công Phượng khoác trên mình chiếc áo câu lạc bộ Mito HollyHock tại J-League 2). Có thừa kinh nghiệm cùng tuổi đời mà chẳng nên “cơm cháo” gì thì đó chỉ có thể là bi kịch ngày cũ: Giới “quần đùi áo số” Việt Nam vẫn thuộc diện “non” và “xanh”.
Các chuyên gia túc cầu giáo đã chỉ ra nhiều vấn đề xoay quanh chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam thời điểm hiện tại. Bên cạnh những âu lo là không ít lời động viên, rằng: Để phát triển và nâng tầm cầu thủ Việt Nam thì chuyện được ra nước ngoài thi đấu là giải phải tốt nhất; và: Nếu như trong quá khứ, những lần xuất ngoại thi đấu của nhiều lứa “đàn anh” hoặc vì mục đích thương mại, hoặc mang ý nghĩa “giao lưu học hỏi” thì việc Quang Hải, Công Phượng (trước đó là sự kiện Đoàn Văn Hậu đến Hà Lan, Xuân Trường đến Thái Lan) ít nhiều đã có những tín hiệu tích cực - các nền bóng đá tiên tiến đã tìm đến nguồn “hàng Việt Nam” bởi nhu cầu thực.
Còn nhớ trước khi sang Pháp, trả lời câu hỏi của báo giới (tại sao không chọn một nền bóng đá gần V.League, vốn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và không quá chênh lệch về đẳng cấp?), Quang Hải đã có những chia sẻ rất chân thực: “Tôi biết là rất khó khăn nhưng vẫn muốn thử sức và chinh phục”! Và tâm tư ấy đã nhận được những nhìn nhận, đánh giá rất cao khi Hải dám bước ra khỏi “vùng an toàn”.
Buồn - đó là tâm lý chung của các tín đồ túc cầu giáo nước nhà khi dõi theo những bước chạy của hai trong số các ngôi sao “sáng” nhất V.League lúc này. Với Quang Hải, có thể nói, con đường về lại cố hương của cựu tuyển thủ quốc gia này đã và đang “rộng mở” hơn bao giờ hết. Đó có thể là cái giá “đắt” khi họ “mơ cao” nhưng nói cho hết nhẽ thì nếu chỉ vì khó khăn mà chùn bước, vì sợ thất bại mà không dám dấn thân thì chẳng biết đến bao giờ bóng Việt Nam mới bước ra khỏi “ao làng khu vực”!