Thể dục dụng cụ vượt khó bảo vệ ngôi vương: Lời khẳng định của thế hệ mới!

Bộ sựu tập ấn tượng 4 HCV tại kỳ SEA Games trước cùng cơn bão chấn thương bao trùm tạo ra sức ép không nhỏ cho thầy trò HLV Trương Minh Sang trên đất Campuchia.

 

Vượt qua chấn thương

Văn Vĩ Lương, Trịnh Hải Khang (cùng sinh năm 2000) và Đặng Ngọc Xuân Thiện, Nguyễn Văn Khánh Phong (cùng sinh năm 2002) là 4 gương mặt đầy tài năng được tin tưởng sẽ tiếp bước 2 "đàn anh" gạo cội là Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành. 4 gương mặt trẻ đó từng có kỳ SEA Games 31 rất thành công, dưới sự cổ vũ của hàng ngàn khán giả nhà tại Cung thể thao Quần Ngựa, trong đó có tấm HCV đồng đội toàn năng nam. Việc họ có thể duy trì được điều đó khi đặt chân đến Campuchia hay không, từng bị đặt một dấu hỏi lớn.

Lời giải đáp đã có vào chiều 8/5, khi đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam đoạt chiếc HCV quý giá ở nội dung đồng đội toàn năng nam. Cùng nhau, Thanh Tùng, Phương Thành, Xuân Thiện, Vĩ Lương, Khánh Phong, Hải Khang, đã cùng nhau mang về 313.000 điểm, hơn đội xếp thứ 2 là Philippines 8 điểm, còn đội Malaysia giành tấm HCĐ.

Bên cạnh rào cản quen thuộc mang tên Carlos Yulo, đội tuyển Thể dụng Dụng cụ nam Việt Nam sang Campuchia cùng hai chông gai khác, đó là không được tập huấn quốc tế và không có thể trạng cao nhất. “Khó khăn lớn nhất của chúng em là các VĐV vẫn đang bị chấn thương, nhiều trường hợp từ rất lâu rồi. Chúng em cố gắng khắc phục chấn thương để thi đấu” - Đinh Phương Thành bày tỏ.

Chứng kiến các học trò nén đau tập luyện hàng tháng trời, HLV Trương Minh Sang không giấu được căng thẳng, và không ít lần lo lắng đã khiến anh nổi nóng. HLV Trương Minh Sang chia sẻ: “Tôi có sự điều chỉnh cho các vận động viên trong quá trình luyện tập. Tuy nhiên, trong khi tập có em lại quên mất chi tiết tôi dặn, ví như tôi dặn không nên thực hiện động tác đấy vì độ khó, dễ chấn thương, mình phải giữ không để chân thương. Thế mà VĐV cứ làm tôi rất bực. Tôi gắt gao là để bảo vệ VĐV của mình”.

Tất nhiên các tuyển thủ hiểu rõ tấm lòng người thầy đầy tâm huyết. “Lúc đầu, em cảm thấy hơi khó chịu nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy thầy thương mình, thầy mới có thái độ như vậy” - Nguyễn Văn Khánh Phong, một trong những tuyển thủ bị “mắng” gắt gao nhất, cho biết. Tương tự, Văn Vĩ Lương khẳng định, bản thân mình đã học từ thầy rất nhiều thứ, đặc biệt là bản lĩnh, nghị lực: “Dưới sự dẫn dắt của thầy Trương Minh Sang trong những năm qua, năng lực thi đấu, cả về bản lĩnh thi đấu cũng như tâm lý của em đã được cải thiện nhiều so với hồi đầu lên tuyển”.

Thế hệ trẻ tài năng

Không chỉ chứng tỏ được tinh thần vượt khó đầy quả cảm, việc bảo vệ thành công tấm HCV đồng đội toàn năng nam đang đi đúng hướng trên hành trình ra mắt thế hệ mới. Theo bà Phan Thuỳ Linh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam, 6 VĐV trong đội hình đoạt HCV này chính là các tấm gương tiêu biểu cho sự kế thừa của môn thể dục dụng cụ Việt Nam. Đáng chú ý, trước khi tranh tài tại SEA Games 32, nhiều gương mặt trẻ đã dự 2 giải Cúp thế giới, tổ chức ở Doha (Qatar) và Baku (Azerbaijan), riêng Khánh Phong từng xếp thứ 4/8 VĐV vào chung kết, thiếu một chút là có huy chương. “Điểm đáng mừng là các VĐV dù còn trẻ nhưng lại khá vững vàng về tâm lý và có sự phối hợp nhịp nhàng với thế hệ đàn anh. Việc tham dự 2 giải cup thế giới vừa qua đã giúp cho các VĐV trẻ được cọ xát với các đối thủ tầm cỡ thế giới để trưởng thành hơn khi thi đấu quốc tế” - bà Phan Thuỳ Linh nhận xét.

Trực tiếp dìu dắt và đồng hành trong từng bước tiến vững chắc của lứa VĐV 2000 - 2002, HLV Trương Minh Sang tự tin cho rằng, đây là lực lượng kế thừa cho lứa đàn anh: “Bây giờ chúng ta có Thanh Tùng, Phương Thành là kỳ cựu rồi, những thành tích hai bạn ấy mang về cho thể dục dụng cụ Việt Nam rất tuyệt vời. Hai VĐV đó là đầu tàu để giúp các VĐV trẻ của chúng ta có sự yên tâm, cùng hỗ trợ nhau, cố gắng thi đấu thật tốt ở nội dung đồng đội. Bên cạnh đó, VĐV tập trung vào nội dung đơn môn, Phương Thành là xà kép, Thanh Tùng là xà đơn, chúng tôi phân mảng cho từng VĐV, phù hợp với khả năng. Sự tập trung đặt vào các VĐV trẻ Khánh Phong, Xuân Thiện, Hải Khang, Vĩ Lương bởi họ có khả năng cạnh tranh ở nội dung đơn môn, vòng treo, ngựa vòng, nhảy ngựa”.

Năm 2023, thể dục dụng cụ Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể tạo dấu ấn tại ASIAD 19 cũng như giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Riêng hành trình đến Thế vận hội, kỳ vọng lớn nhất được đặt vào nội dung toàn năng. “Kỳ Olympic lần này điều lệ giải cũng khác. Chúng ta dự giải Vô địch thế giới để giành vé, nhưng 2 năm gần đây, không phải là chúng ta cứ đăng ký là được đến giải Vô địch thế giới mà phải thi đấu loại. Điều này khá là khó khăn vì chúng tôi phải làm sao tính toán lực lượng VĐV, vừa dự vòng loại thế giới, vừa dự ASIAD, tại vì hai giải này diễn ra khá gần nhau. Chúng tôi bắt buộc phải điều chỉnh lại lực lượng tham dự từng giải. VĐV trẻ phấn đấu như lứa đàn anh trước, làm sao nằm trong top các VĐV tham dự Olympic” - HLV Trương Minh Sang chia sẻ.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận