Bế mạc SEA Games 32 Cần một 'bộ khung ổn định' cho thể thao khu vực!

Tối 17/5/2023, Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 đã khép lại sau gần 2 tuần lễ cạnh tranh khốc liệt.

 

Bên cạnh những thành công mà Đại hội mang lại - không phủ nhận, nước chủ nhà Campuchia đã có những thay đổi tích cực về nội dung, thể thức, điều lệ; đặc biệt là sự chu đáo, “chơi đẹp” trong công tác ăn ở, hậu cần - song, cũng như nhiều kỳ SEA Games gần đây, việc mỗi bận đứng vai trò tổ chức, nước chủ nhà lại giới thiệu đến khán giả khu vực vài ba nội dung thi đấu “độc”, “lạ” khiến dư luận không thể không “phàn nàn”. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, nếu cứ “ôm khư khư” cái gọi là “quyền chủ nhà” thì SEA Game chẳng thể nào thoát khỏi tư duy “ao làng”!.

Cần phải nhắc lại Điều lệ SEA Games đã ban hành từ những ngày đầu và vẫn được duy trì đến tận Đại hội lần thứ 32, đó là các nội dung tranh tài được quy định bởi 3 nhóm gồm: điền kinh và bơi (nhóm 1), tối thiểu 14 môn của Olympic và ASIAD (nhóm 2) và 8 môn của Đông Nam Á hoặc của quốc gia tổ chức (nhóm 3). Riêng với các môn nhóm 3, chỉ cần có đủ 3 nước cử vận động viên là có thể tổ chức và hết lần này qua lần khác, nó đã trở thành nỗi bức xúc cho không ít khán giả.

Đơn cử như tại ngày hội thể thao vừa diễn ra trên xứ Chùa tháp, nước chủ nhà Campuchia đã giành được đáng kể số huy chương cho 3 nội dung “mới đét” là võ bokator, kun Khmer và cờ ouk chaktrang (cờ ốc) - những môn thi hoàn toàn xa lạ với người hâm mộ khu vực. Tương tự như vậy, tại SEA Games 26, Ban tổ chức xứ Vạn đảo đã khiến khán giả Đông Nam Á “mắt tròn mắt dẹt” khi đưa môn “thể thao” có cái tên lạ lẫm là bridge vào nội dung thi đấu chính thức - môn thi mà người chơi sử dụng 52 quân bài tú-lơ-khơ để phân định thứ hạng (môn này có nhiều điểm tương đồng với tá lả hay đánh phỏm ở Việt Nam).

Ở góc độ khác, SEA Games 29 được xem là kỳ Đại hội “lạm phát bi sắt” do ở Malaysia (nước chủ nhà), môn này là môn thể thao rất phổ biến. Trong vị thế là một “cường quốc bi sắt”, “người Mã” trao tới 11 bộ huy chương cho nội dung này.

Thể thao Đông Nam Á nên tìm ra tiếng nói chung trong việc ấn định các nội dung thi đấu.Bởi vậy, nếu nhìn nhận một cách khách quan, những “chiêu trò” này chẳng của riêng ai. Vì lẽ đó, dẫu “chướng tai gai mắt” với bokator, kun Khmer và cờ ốc thì 10 đoàn thể thao còn lại cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn khen ngọt”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là có nên sửa đổi Điều lệ SEA Games? Hay nói cách khác là có chấp nhận sự hiện diện của những môn thể thao “mới lạ” hay không?

Chắc chắn là “nên”, “cần thiết”! Bởi ngoài ý nghĩa chủ đạo là cạnh tranh, thúc đẩy phát triển, SEA Games còn có một chức năng quan trọng không kém là giới thiệu, quảng bá văn hóa nước sở tại đến khu vực và toàn thế giới. Hai từ “Đại hội” đã hàm chứa không ít khác biệt so với “Thế vận hội”, “Á vận hội”. Nhờ có cờ ốc hay bridge mà chúng ta mới biết thêm về lịch sử, văn hóa Campuchia, Indonesia (cũng như nhiều quốc gia khác). Nhưng cũng cần vạch ranh giới cho khái niệm “thể thao mới lạ”! “Mới lạ” ở cấp độ nào? Đã xuất hiện ở vài kỳ SEA Games hay… “từ trên trời rơi xuống”?

Bên cạnh yếu tố “mới lạ” còn là tiêu chí “ổn định”, tức là phải hiện diện ở hơn một kỳ Đại hội chứ không nên và không thể “một đi không trở lại”. Chẳng hạn như kun Khmer, nhiều khả năng môn này chỉ được gọi tên khi Campuchia một lần nữa đóng vai trò tổ chức.

Trong ngày bế mạc SEA Games 32, nên chăng là thời điểm thể thao Đông Nam Á cùng tìm ra tiếng nói chung trong việc ấn định các nội dung thi đấu của Đại hội Thể thao khu vực? Bởi chỉ khi có một “bộ khung ổn định” thì nền thể thao của một quốc gia mới đoạn tuyệt được tư duy “ăn xổi”!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận