Ở lượt trận cuối cùng của giai đoạn 1 - V.League 2023, đương kim vô địch Hà Nội FC đã không tận dụng được cú sảy chân của 2 đội bóng xếp trên (cả Công an Hà Nội và Đông Á Thanh Hóa đều bị cầm hòa trước SHB Đà Nẵng và Hải Phòng FC); cộng thêm cú bứt phá ngoạn mục của Viettel (giành 7/9 điểm tối đa ở 3 vòng đấu cuối) khiến giai đoạn 2 giải vô địch năm nay bỗng trở nên rất kịch tính khi 4 tập thể dẫn đầu chỉ lần lượt hơn kém nhau 1 điểm.
Như chúng ta đã biết, 7 mùa bóng gần đây, đội chủ sân Hàng Đẫy đã giành tới 4/6 chức vô địch (năm 2021 buộc phải hủy vì dịch Covid-19). Sự ổn định về con người, lối chơi, chất lượng cầu thủ,… và quan trọng hơn, đội hình “đội bóng Thủ đô” có sự kết hợp rất hiệu quả giữa hai yếu tố “sức trẻ” và “kinh nghiệm” giúp Hà Nội FC trở thành thế lực duy nhất ở V.League. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định thực tế: Hà Nội FC thiếu một đối thủ xứng tầm. Sau một năm bùng cháy và bất ngờ đoạt chức vô địch V.League 2017, đội bóng xứ Quảng đã khựng lại và trở về đúng “tầm vóc” của một đội bóng “thường thường bậc trung” - thiếu ngôi sao và không nổi trội về thực lực tài chính. Thanh Hóa, Hải Phòng, Bình Định thì vẫn thiếu một cú hích cần thiết để có thể vươn vai trở thành “ông lớn”.
Vì lẽ đó, việc câu lạc bộ Công an Hà Nội bất ngờ cán đích đầu bảng sau giai đoạn 1 đã đem lại sự hứng khởi cho đa số khán giản. Dẫu vẫn còn để lại không ít ưu tư khi bệ phóng khiến tập thể tân binh này “bay cao, bay xa” vẫn là sách lược mua sắm không tiếc tay (trong quá khứ, nhiều đội bóng đã dựa hoàn toàn vào công thức này song chưa một ai có thể thành công); sau 10 vòng đấu bùng nổ, đội bóng bên bờ sông Mã đang cho thấy dấu hiệu hụt hơi. Đối với Đông Á Thanh Hóa, theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2023 chưa phải là thời điểm cúp vàng về xứ Thanh Hóa song việc Công an Hà Nội và Đông Á Thanh Hóa chia nhau hai vị trí dẫn đầu có thể xem là một trong những bất ngờ thú vị nhất của giai đoạn 1 năm nay.
Trong khi Hà Nội FC đang phải đối mặt với thực tế không thể bảo vệ thành công chức vô địch thì ở nửa sau bảng xếp hạng, trong cuộc đua trụ hạng, người hâm mộ không thể không ngỡ ngàng khi có tới 4/6 nhà cựu vô địch là Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng và B.Bình Dương. Kể từ thời điểm V.League khoác trên mình tấm áo chuyên nghiệp, 4 tập thể này có tới 10/21 lần đứng trên bục đăng quang, đặc biệt, B.Bình Dương còn sở hữu tới 4 chiếc cúp vô địch - nhưng hiện tại “ngai vàng” đã là khái niệm ở… thì quá khứ.
Nhìn nhận một cách khách quan thì việc 4 cựu vương phải đi “chung kết ngược” - dẫu nghiệt ngã nhưng hoàn toàn xứng đáng. B.Bình Dương từng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam”, SHB Đà Nẵng cũng là “địa chỉ đỏ” của giới quần đùi áo số mỗi kỳ chuyển nhượng song nhân sự ở V.League 2023 thì “thiếu” và “yếu” trên nhiều phương diện. Ở khía cạnh khác, đội bóng xứ Nghệ cùng Hoàng Anh Gia Lai luôn trình diện một lối chơi đều đều, nhàn nhạt, gần như không có sự bứt phá hay thậm chí chỉ là những khoảnh khắc bùng nổ cần thiết (đội bóng phố Núi Pleiku đang giữ “kỷ lục chia điểm” khi có tới 8/13 trận hòa).
Nói tóm lại, sau 13 lượt trận, V.League 2023 đã và đang được viết theo một kịch bản ít ai ngờ khi Hà Nội FC không còn là nhân vật chính duy nhất trên sân khấu. Họ thậm chí hoàn toàn có thể bị soán ngôi bởi một đội bóng tân binh với ngân khoản “đầy ăm ắp”. Ở chiều ngược lại; hàng loạt “kép chính” trong quá khứ sẽ phải vật vã tìm lại “suất diễn” của mình. Điều này hứa hẹn một giai đoạn 2 bùng nổ với nhiều ganh đua hấp dẫn./.