Kỷ lục gia SEA Games Nguyễn Thị Huyền: Tôi thích chinh phục

Tuổi nghề hay thiên chức làm mẹ luôn là rào cản với các nữ VĐV nhưng với Nguyễn Thị Huyền thì không, cô có niềm đam mê chinh phục thử thách.

 

Chiều 12/5/2023, ngay sau khi Nguyễn Thị Oanh đoạt HCV chạy 10.000m, san bằng cột mốc 12 HCV điền kinh tại các kỳ SEA Games, Nguyễn Thị Huyền xuất sắc lập kỷ lục mới. Cô gái Nam Định cùng Nguyễn Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Hằng về nhất ở chung kết chạy tiếp sức 4x400m, với thành tích 3 phút 33 giây 05. “Khi đoạt HCV ở nội dung thi tiếp sức 4x400 nữ, tôi đạt được tổng cộng 13 HCV. Tôi bất ngờ khi mình là VĐV đoạt nhiều HCV nhất ở môn điền kinh SEA Games. Lúc thi đấu chỉ biết mình cố gắng để đạt kết quả tốt nhất, chứ không nghĩ gì nhiều” - Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Kỷ lục của chân chạy sinh năm 1993 bắt đầu bằng 3 HCV SEA Games 2015, tiếp đó đoạt 3 HCV ở SEA Games 2017. Đến SEA Games 2019, cô gái người Nam Định sưu tập thêm 2 HCV, trước khi đoạt "cú đúp Vàng" tại kỳ SEA Games 2022 tổ chức ở Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Huyền lần lượt vô địch 3 nội dung: 400m rào nữ, 4x400m tiếp sức hỗn hợp và 4x400 tiếp sức nữ. “Nguyễn Thị Huyền không chỉ là VĐV tuổi khá cao so với đàn em, mà Huyền còn có thời gian nghỉ thi đấu vì lập gia đình, rồi sinh em bé. Thế nhưng, Huyền trở lại rất nhanh, thời gian ngắn đã trở lại với đẳng cấp cao, đã có thể thi đấu ở SEA Games. Rõ ràng đây là nghị lực và ý chí quyết tâm đáng khâm phục” - nhà báo Hữu Bình nhận xét.

Nguyễn Thị Huyền mong muốn sau khi giã từ đường chạy sẽ đào tạo được những VĐV trẻ tài năng cho điền kinh Việt Nam. Động lực để Nguyễn Thị Huyền cố gắng thi đấu chính là khán giả, HLV và gia đình, đặc biệt là tình yêu dành cho cô con gái nhỏ. Cô mong muốn các nữ VĐV có thể tự tin lập gia đình, sinh con và trở lại đường chạy như: Nguyễn Thị Thanh Phúc (HCV đi bộ 20km nữ SEA Games 32), Bùi Thị Thu Thảo (HCV nhảy xa ASIAD 2018), hay như chân chạy 100 rào lừng danh một thời Vũ Bích Hường. Chị Vũ Bích Hường, hiện đã bước sang tuổi 54 đồng cảm sâu sắc với đàn em Nguyễn Thị Huyền. “Năm 1989, vì chấn thương tôi không tham dự SEA Games được nên ở nhà lấy chồng, năm 1990 sinh con. Năm 1991, tôi quay lại luyện tập, thi đấu sau 7 tháng nghỉ sinh và thống trị nội dung rào trong hơn 10 năm. Đến năm 2003, tôi sinh em bé thứ hai và chỉ 4 tháng đã quay lại đường chạy. Khi con thứ hai được 8 tháng thì tôi vô địch trong nước. Vừa tập luyện, thi đấu mà tôi vẫn có thể cho con bú được 17 tháng. Cơ thể của mình vừa cho con bú, vừa phải chiến đấu với bài tập, mà vẫn đoạt HCV. Vì thế, tôi rất đồng cảm với các bạn VĐV đã có gia đình, sinh con. Chúng tôi phải cảm ơn hậu phương vũng chắc, để chúng có thể theo đuổi đam mê đóng góp cho điền kinh nước nhà. Đấy là niềm tự hào của phụ nữ chúng tôi” - Vũ Bích Hường bày tỏ.

Nhấn mạnh bản thân rất may mắn khi được chồng hết mực ủng hộ, Nguyễn Thị Huyền kể rằng, chồng của cô cũng theo thể thao nên luôn bên cạnh vợ trong quá trình cô trở lại tập luyện sau sinh, vừa cổ vũ tinh thần, vừa tư vấn chuyên môn. Bên cạnh điểm tựa hậu phương vững chãi còn có một yếu tố tạo bệ phóng để Nguyễn Thị Huyền tỏa sáng. “Các VĐV sau khi lập gia đình rất ít người có suy nghĩ sẽ tập lại. Tôi sau khi sinh con cũng không nghĩ rằng mình sẽ quay lại tập luyện nhưng nhìn thấy các đồng nghiệp thi đấu ASIAD thì tình yêu nghề trỗi dậy, tôi quyết định quay lại luyện tập để chinh phục thử thách mới. Biết là có những khó khăn, nhưng tôi muốn chinh phục những cái khó” - chân chạy sinh năm 1993 bày tỏ.

Từng dự Olympic Rio 2016, Nguyễn Thị Huyền mong muốn sau khi giã từ đường chạy sẽ đào tạo được những VĐV trẻ tài năng cho điền kinh Việt Nam. Hiện cô đã biên chế tại Trường Thể thao thành tích cao tỉnh Nam Định. Theo nghiệp đào tạo là tầm nhìn xa, còn vài năm tới, Nguyễn Thị Huyền vẫn duy trì đam mê thi đấu bằng cách phấn đấu từng giải một, sau SEA Games 32 là giải Vô địch châu Á, rồi ASIAD./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận