Mọi chuyện càng hứa hẹn hơn khi hai bản hợp đồng rất chất lượng là tiền vệ Nguyễn Quang Hải cùng thủ môn Filip Nguyễn chọn đội bóng ngành công an làm nơi trao gửi sự nghiệp. Tuy nhiên, thật bất ngờ là thầy trò HLV Flavio Cruz lại đang tụt dốc.
Trên bảng xếp hạng V.League, CAHN vẫn còn nguyên cơ hội đăng quang và thực tế thì họ chưa bao giờ “out” khỏi nhóm dẫn đầu, song chuỗi kết quả gần đây lại khá tệ. Trong số 4 trận đấu mà cặp tân binh Nguyễn Quang Hải - Filip Nguyễn tham dự, họ chỉ kiếm được 4/12 điểm tối đa; đáng nói hơn, dẫu được nhận định “trên cơ” nhưng CAHN đã không thể “dứt điểm” Nam Định tại vòng 1/8 Cúp Quốc gia để rồi phải ngậm ngùi chia tay sân chơi này sau loạt luân lưu cân não (ngày 7/7/2023).
Nghịch lý của một tập thể “toàn sao” nhưng thành tích bất xứng kỳ vọng kiểu này không khó lý giải. Lấy dẫn chứng từ FLC Thanh Hóa ở V.League 2016. Năm ấy, dưới sự bảo trợ của tập đoàn FLC, sân Thanh Hóa nhanh chóng trở thành “địa chỉ đỏ” của “giới quần đùi áo số”. Nhiều ánh mắt nhìn về nơi đây trong sự “thèm thuồng”, ao ước. Xa hơn nữa, sân chơi “sang” nhất làng từng chứng kiến những bận mua sắm rất rầm rộ ở các sân Ninh Bình (năm 2010), sân Thống Nhất (năm 2012). Với “túi tiền dồi dào”, hai ông bầu Hoàng Mạnh Trường, Nguyễn Đức Thụy lúc đó đã mộ quân theo tiêu chí “tiền đè chết người”, gần như là “vơ cạn”, “vét sạch” bất cứ một cầu thủ thuộc diện “có số má” về dưới trướng. Ấy thế nhưng, như chúng ta đã biết, với cả Thanh Hóa lẫn Ninh Bình, Xuân Thành Sài Gòn, chức vô địch vẫn là “mơ giữa ban ngày”.
Theo nhận định của các chuyên gia, điều kiện cốt tử để một đội bóng có thể đứng trên bục cao nhất là sở hữu bộ khung “ổn định” và “có chất lượng”. Đơn cử như chức vô địch của B. Bình Dương trong hai mùa giải liên tiếp: 2007, 2008 - đội bóng đất Thủ đăng quang bằng đội hình gần như không có sự xáo trộn. Tương tự như vậy, Hà Nội FC cũng thống trị giải chuyên nghiệp trong gần nửa thập kỷ (từ 2016 đến 2019, giành ¾ chức vô địch) nhờ sự ổn định về nhân sự, lối chơi.
Vậy CAHN thì sao? Chỉ cần có chút am tường về chuyên môn, sẽ dễ dàng nhận thấy sự lúng túng của thày ngoại Flavio Cruz trước “một rừng sao” mà ông đang sở hữu. Sự lúng túng ấy biểu thị ở việc Quang Hải không thể thi đấu ở vị trí sở trường (do có hơn một đồng đội đá “trùng vị trí”). Oái oăm hơn nữa là trước thời điểm Hải “con” khoác trên mình tấm áo đấu của CAHN, những Jhon Cley, Vũ Văn Thanh hay Đoàn Văn Hậu liên tục tỏa sáng; giờ đây, lối chơi của CAHN được xây dựng theo mô hình lấy Quang Hải làm trung tâm (mà anh này lại chưa tìm được phong độ tốt nhất) nên các “nhân tố cũ” vô tình bị “mất lửa”. Nói cách khác, vấn đề của nhà cầm quân Flavio Cruz lúc này không phải là “có” hay “không có” các nhân tố tốt nhất, mà là sử dụng, kết hợp các nhân tố tốt nhất ấy sao cho hòa hợp, nhuần nhuyễn. Đây cũng là vấn đề của Thanh Hóa, Bình Định cùng không ít tập thể khác trong quá khứ.
Trên thực tế, CAHN từng thử nghiệm sơ đồ “không Quang Hải” - trong trận thư hùng với Hải Phòng FC (vòng 3, giai đoạn 2), HLV Flavio Luiz đã quyết định thay thế Quang Hải bằng Lê Văn Đô ở nửa cuối hiệp 2 những mong “làm mới hàng công, giảm áp lực cho Quang Hải”; song, để mô hình này phát huy hiệu quả, ông Flavio Luiz vẫn cần thêm thời gian!
Điều thú vị là trong cái rủi (của CAHN) lại có cái may (cho V.League) khi song song với sự thiếu ổn định của ứng cử viên sáng giá này là sự ổn định và thăng hoa của một loạt đối thủ khác như Hà Nội FC, Viettel, Thanh Hóa… khiến cuộc chạy đua đến ngôi vương tại V-League 2023 hứa hẹn sẽ căng thẳng và nghẹt thở tới giây phút cuối cùng./.