Một kết cục rất đáng tiếc cho nhà cựu vô địch (SHB Đà Nẵng thậm chí còn 2 lần đăng quang) song với những ai am hiểu túc cầu giáo nơi đây thì cái kết “đắng ngắt” ấy, dẫu nghiệt ngã nhưng lại là tất yếu!
Hiểu bóng đá Đà Nẵng, có lẽ chẳng ai hơn Lê Huỳnh Đức. Sự nghiệp “cầm đũa” chỉ đạo của ông gắn rất chặt và gần như dành trọn cho đội bóng sông Hàn. Bởi vậy, trong ngày CLB SHB Đà Nẵng nhận “án tử”, nhà cầm quân ở độ tuổi “tri thiên mệnh” đã thốt lên những lời gan ruột: “Tôi buồn vì CLB rớt hạng. Tuy nhiên, bóng đá chuyên nghiệp phải như vậy. Các đội bóng có sự đầu tư tốt thì tiếp tục cuộc chơi, không thì phải chấp nhận trả giá”.
Yếu tố “đầu tư” mà cựu tuyển thủ Quốc gia này nhắc đến, không gì khác ngoài vấn đề “đầu tiên”. Liên tiếp nhiều mùa giải gần đây, SHB Đà Nẵng gần như “nằm im” mỗi bận thị trường chuyển nhượng cầu thủ mở cửa. Và đáng kể nhất chính là mùa bóng năm ngoái, dư luận cả nước đã không thể không sửng sốt trước thông tin: U17 Đà Nẵng không tham gia giải U17 Quốc gia vì… thiếu tiền!
Cái khó bó cái… chuyên môn! V.League 2023 đã chứng kiến rất nhiều bất ổn ở đội bóng này. SHB Đà Nẵng là đội bóng hiếm hoi của giải chuyên nghiệp khi thay cùng lúc cả Chủ tịch (Bùi Xuân Hòa) lẫn HLV trưởng (Phan Thanh Hùng). Quan trọng hơn, trong việc “làm mới” băng ghế chỉ đạo, do chẳng ai nghi ngờ năng lực của vị HLV họ Phan nên người hâm mộ hiểu rằng, thao tác hoán đổi ấy (thay Phan Thanh Hùng bằng Phạm Minh Đức) mang ý nghĩa chờ mong sự “đổi vận” nhưng tiếc rằng “vận” của tập thể này chẳng sáng hơn được bao nhiêu.
Oái oăm hơn, trong khi “thượng tầng kiến trúc” của SHB Đà Nẵng cần ổn định nhưng không ổn định, thì “hạ tầng” đội bóng - ngược lại, muốn có sự thay đổi lại chẳng thể đổi thay. Gần như suốt giai đoạn 1, SHB Đà Nẵng luôn nhập cuộc trong trạng thái “chấp ngoại binh” do các “ông Tây” mà đội ngũ tuyển trạch đem về sân Hòa Xuân đa phần là “hàng lởm”. Gánh nặng chuyên môn đè nặng lên vai nội binh, song đó đều là hoặc các “lão tướng” (Minh Tâm, Nguyên Sa, Công Nhật) hoặc lứa cầu thủ phải “chín ép” (Văn Hữu, Đình Duy, Duy Cường, Phi Hoàng…). Có một chuyển động ngỡ như đùa đã diễn ra trên sân Đà Nẵng mùa giải này là việc Đình Duy luôn phải thi đấu với cái chân đau được Ban huấn luyện đội bóng giải thích là do “không còn người để thay”.
Với một đội hình lủng củng, chắp vá, thiếu chiều sâu, không ngạc nhiên khi thành tích mà tập thể này làm được vô cùng tệ hại: Giành 14/54 điểm tối đa (mỗi giai đoạn có 1 chiến thắng), ghi được 11 bàn thắng/18 trận.
Bi kịch của bóng đá Đà Nẵng có rất nhiều điểm tương đồng với “người hàng xóm” QNK Quảng Nam cách đây 3 năm. Sau chức vô địch ồn ào mùa giải 2017, Quảng Nam FC cứ đuối dần để rồi khi nhà tài trợ “rút ống thở”, họ đã trở thành vị khách duy nhất trên chuyến tàu ngược về giải hạng Nhất cuối mùa 2020. Nói cách khác, mặc dù đã “khoác áo chuyên” hơn hai thập kỷ nhưng không ít đội bóng ở xứ ta (mà túc cầu giáo vùng Quảng - Đà là dẫn chứng điển hình) vẫn hoàn toàn “dựa lưng” vào doanh nghiệp. Thậm chí, khi doanh nghiệp nói “lời người ra đi” cũng đồng nghĩa bức tử luôn CLB (như An Giang mùa bóng 2014, Đồng Nai tại V.League 2015).
Thực tế ấy cho thấy, với SHB Đà Nẵng nói riêng, nhiều tập thể khác trong quá khứ nói chung, tấm vé rớt hạng không chỉ đơn thuần là điểm số trên bảng xếp hạng mà còn là những vấn đề mang tính vĩ mô: chiến lược phát triển, đầu tư, duy trì… của một CLB chuyên nghiệp ở xứ ta!