Đáng nói hơn, câu chuyện diễn ra trong bối cảnh nhiều vận động viên (VĐV) Quốc gia đang “đổ mồ hôi” tại ASIAD 19, mà họ (các tuyển thủ trẻ môn bóng bàn nói riêng, các VĐV trẻ khác nói chung) chính là lực lượng hậu bị, là lứa kế cận cho thể thao Việt Nam tại các giải đấu khu vực cũng như châu lục nhưng thường xuyên dùng mì tôm để… chống đói.
Còn nhớ, vài năm trước, trong chuyến tập huấn trên đất Hàn Quốc trước thềm SEA Games 29, cựu huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển U23 Việt Nam là ông Nguyễn Hữu Thắng đã “chỉ thị” học trò: Nghiêm cấm mang theo… mỳ tôm. Trong quá khứ, hình ảnh đội bóng áo đỏ diện comple - cà vạt bảnh bao nhưng mỗi người “cắp nách” thùng mỳ gói, dẫu khó tin nhưng là sự thật. Điều này được giới “quần đùi áo số” nước nhà giải thích, đại ý: Mỗi bận du đấu quốc tế, ngoài chuyện phải lập tức thích nghi với sự khác biệt về múi giờ, sân bãi thì “khẩu vị” luôn là nỗi ám ảnh lớn của đa số cầu thủ. Không nuốt nổi đồ ăn nước bạn, nhiều người chỉ ăn cầm chừng và đến nửa đêm thì trở dậy… úp mỳ.
Về mặt tích cực, không ai phủ nhận mỳ tôm có khá nhiều lợi thế: gọn nhẹ, tiện lợi và… giá rẻ (mỗi gói mỳ chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn 1 cốc trà đá vỉa hè). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hàm lượng dinh dưỡng của mỳ tôm rất thấp, không cung cấp đủ năng lượng cho các bài tập có cường độ cao. Nhận thức rõ điều này nên cựu huấn luyện viên trưởng của U23 Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng từng nhấn mạnh, đại ý: Ăn nhiều, đảm bảo thể lực thi đấu cũng là một nhiệm vụ.
Nếu việc cầu thủ phải tìm đến mỳ tôm chỉ vì thực đơn nơi đất khách không hợp khẩu vị thì đằng sau mỗi gói mỳ lại là những dấu hỏi lớn về công tác chuẩn bị, hậu cần. Dường như các quan chức thể thao nước nhà chỉ quan tâm đến “bộ mặt” (huy chương, thành tích) mà bỏ quên “cái dạ dày” vận động viên.
Ngày đội tuyển Việt Nam còn được ông A. Riedl dẫn dắt, trước thắc mắc của phóng viên về tình trạng ăn, ở của cầu thủ, nhà cầm quân người Áo đã khiến tất cả những người có mặt phải sửng sốt với câu trả lời: Đó là việc của bộ phận hậu cần, nhiệm vụ của tôi là tìm kiếm thành tích tốt nhất cho đội tuyển chứ không phải quan tâm xem học trò ăn gì, ngủ ở đâu!
Có thể quan điểm này của HLV A. Riedl không nhận được sự đồng tình của mọi khán giả nhưng chẳng thể phủ nhận, sự tách bạch trong công việc chính là một trong những biểu hiện rõ nhất đối với bóng đá chuyên nghiệp. Vì lẽ đó, không ít người đã cảm thấy phẫn nộ khi khi các VĐV trẻ ở nội dung bóng bàn mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết, đôi tay không ngừng tập luyện để nuôi dưỡng ước mơ nhưng “cái đầu” vẫn cứ quẩn quanh, lấn cấn với chuyện… bếp núc, không ngừng thấp thỏm “tối nay ăn gì?” (cần nhắc lại là chế độ dành cho họ lên tới 320.000đ/ ngày, số tiền mà chẳng cần quá giỏi nội trợ cũng có thể “trình ra” một mâm cơm tươm tất, đầy đủ đồ ăn tươi).
Không còn nghi ngờ gì nữa, từ bộ môn bóng bàn đến sân cỏ, từ cầu thủ trẻ đến các tuyển thủ quốc gia, câu hỏi “ăn gì để đảm bảo thể lực?” đã không còn là chuyện của riêng ai! Hy vọng các quan chức thể thao nước nhà không xem đây là “chuyện nhỏ” để sớm có những động thái can thiệp mạnh mẽ và quyết liệt.
Bởi chỉ khi giải phóng được những “lăn tăn” về… cái dạ dày, các VĐV mới có thể toàn tâm toàn ý hướng đến thành tích cao nhất./.