Đội bóng 'nhà giàu' và đội bóng lớn

Với sự hậu thuẫn rất mạnh từ tập đoàn Thép Xanh, CLB Bóng đá Nam Định từ chỗ phải 'ăn đong' trong nhiều mùa giải bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ.

 

Với 2 chiến thắng liên tiếp sau hai vòng đầu của mùa giải 2023-2024 (giành 6 điểm tuyệt đối, thậm chí ca khúc khải hoàn ngay trên sân khách ở vòng 2), thầy trò HLV Vũ Hồng Việt đang nổi lên như một ứng viên sáng giá cho chức vô địch.

Để có cái nhìn toàn diện về “đôi đũa thần” ở đội bóng Thành Nam, hãy nhắc lại một chuyển động, của chính Nam Định FC cách đây hơn nửa thập kỷ. Kết thúc mùa giải 2017, với vị trí quán quân giải hạng Nhất, trước câu hỏi của báo giới: Tiền đâu để chơi V.League? “Thuyền trưởng” Nguyễn Văn Sỹ đã khiến tất cả ngỡ ngàng khi thổ lộ: Cứ vui đã, còn kinh phí thì… tính sau! Nói cách khác, hành trang của thầy trò ông Sỹ khi trở lại sân chơi cao nhất quốc nội năm ấy chỉ là cái “két sắt rỗng”. Ấy thế nhưng, trước ngày khai mạc V.League 2023-2024, Nam Định FC đã khiến cả làng mắt tròn mắt dẹt khi đưa về sân Thiên Trường tới 8 tân binh, đa phần đều thuộc diện “có số má” như Văn Toàn, Rafaelson, Văn Kiên hay Văn Vĩ...

Từ cú “vươn vai thần kỳ” của “người Nam Định”, không thể không điểm lại  những chuyển động tương tự, từng diễn ra trong quá khứ: Một tập thể “thường thường bậc trung” bỗng vụt sáng thành… ông lớn!

Đơn cử như túc cầu giáo Thanh Hóa bảy năm về trước; thường xuyên nhập cuộc với vị thế “ngựa ô” nhưng sau một đêm ngủ dậy, được một doanh nghiệp với “túi tiền không đáy” hà hơi tiếp sức, đội bóng bên bờ sông Mã bỗng vươn vai Phù Đổng. Các mùa bóng 2016, 2017,… sân Thanh Hóa trở thành địa chỉ đỏ của giới “quần đùi áo số” cả nước. Tập thể đóng đại bản doanh tại địa chỉ 37 Lê Quý Đôn (TP Thanh Hóa) có tới vài năm công khai tham vọng thống trị làng bóng nước nhà.

Câu chuyện của bóng đá Thanh Hóa, tiếp tục được viết lại ở hậu trường Bình Định FC (2022), Công an Hà Nội (2023) và vô số “đại gia” trong quá khứ. Trong số này, không ít tập thể đã thành công với công thức “mua nhiều - thưởng lớn” như Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai, B.Bình Dương hoặc chính nhà đương kim vô địch Công an Hà Nội FC; ngược lại, FLC Thanh Hóa, Bình Định FC hay TV Ninh Bình, XT Sài Gòn dù có nhiều bận “vung tay quá trán” nhưng vẫn chưa một lần “ngự” trên đỉnh V.League.

CLB Bóng đá Nam Định từ chỗ phải “ăn đong” trong nhiều mùa giải bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ.

Thực tế ấy cho thấy, vấn đề “đầu tiên” có thể “hô biến” một đội bóng thành “đại gia” song về bản chất, đó chỉ là những “đội bóng nhà giàu” chứ chưa (hay không) thể “lột xác” thành “đội bóng lớn”. Bình Định, Thanh Hóa sau một/vài mùa giải thăng hoa đã trở về vị thế vốn có - ở tầm “khá” hoặc “ẩn số” của giải chuyên nghiệp. Hoàng Anh Gia Lai, B.Bình Dương tự hào với quá khứ huy hoàng nhưng nhiều mùa giải gần đây vẫn thường trực nỗi ám ảnh rớt hạng. TV Ninh Bình, XT Sài Gòn còn tệ hại hơn khi đã bị giải thể.

Nghịch lý này không khó lý giải bởi đa phần các đội bóng ở xứ ta, cái danh “nhà giàu” thực chất chỉ là “giàu xổi”, “giàu bất thình lình” - ngân khoản bỗng dưng “phình to” bởi bầu sữa doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, dẫu tiền bản quyền truyền hình, tiền vé vào sân tịnh tiến theo thời giá thì vẫn chưa có, dù chỉ một CLB có thể “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Không ngạc nhiên khi doanh nghiệp “bỏ bóng chạy lấy người” (có thể do đã đạt được mục đích trúng thầu lô đất này hay dự án nọ) thì “nhà giàu cũng khóc”!

Với thực trạng “giàu - nghèo” có thể hoán đổi trong chớp mắt như hiện tại, chẳng biết bao giờ V.League mới có một tập thể đạt đẳng cấp “đội bóng lớn” đúng nghĩa!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận