Giải pháp của 'con nhà nghèo'

CLB Hoàng Anh Gia Lai đệ đơn lên Ban tổ chức xin 'thay tên đổi họ' trở thành LPBank Hoàng Anh Gia Lai, thu hút sự quan tâm của khán giả cả nước.

 

Ở V.League, chuyện một đội bóng phải “gắn đuôi” doanh nghiệp xảy ra… như cơm bữa. Thậm chí, ngay cả tên giải đấu cũng thay đổi liên tục. Kể từ khi “khoác áo chuyên” đến nay, sân chơi “sang” nhất làng đã có tới hơn chục lần phải “núp bóng” doanh nghiệp, lần lượt là Strata (mùa giải 2000 - 2002), Sting (2003), Kinh Đô (2004), Number One (2005), Euro Window (2006), Petro Gas (2007-2010), Eximbank (2011 - 2014), Toyota (2015 - 2017) và Nuti Cafe (2018). Còn ở V.League 2019, trong bối cảnh sân chơi “sang nhất làng” chỉ còn chừng hơn chục ngày nữa sẽ khai mạc, Ban tổ chức bất ngờ thông báo với người hâm mộ, đại ý: Đã tìm được “Mạnh thường quân” mới, và điều kiện đi kèm đương nhiên vẫn là phải đổi tên giải đấu theo thương hiệu nhà tài trợ. Có nghĩa mùa bóng 2019, V.League được mang tên Wake - Up 247 V.League 1.

Điều này không khó lý giải bởi khi doanh nghiệp “hà hơi tiếp sức”, họ đều muốn thương hiệu của mình phải… đập vào mắt thiên hạ. Trong tâm thế “chạy ăn từng giải toát mồ hôi”, Ban tổ chức không có sự lựa chọn nào khác là… chiều theo nhà tài trợ. Xét cho cùng, đấy là giải pháp không thể khác của “con nhà nghèo”. Thêm nữa, dù V.League “thay áo”, “đổi tên” nhưng tính chất giải đấu vẫn giữ nguyên thể thức thi đấu, số lượng đội bóng, tiền thưởng, suất thăng - giáng hạng, các giải thưởng cá nhân… và đây có lẽ là an ủi duy nhất với Ban tổ chức.

Ở cấp độ câu lạc bộ, chuyện “gắn đuôi” nhà tài trợ cũng rất phổ biến. Bóng đá Nam Định thời còn “tung hoành” ở giải chuyên nghiệp ghi dấu ấn bởi việc “ba mùa giải - ba tên gọi”: Mikado (năm 2006), Đạm Phú Mỹ (mùa giải 2007), Megastar (V.League 2009). Thậm chí cách đây hơn chục năm, V.League còn ghi nhận hiện tượng một đội bóng phải “cõng” tới hai thương hiệu trên lưng (trường hợp LG Hà Nội ACB). Còn ở thành phố Thanh Hóa, mùa bóng 2008, đội bóng bên bờ sông Mã đã lần lượt gắn tên với hai doanh nghiệp chỉ trong 26 vòng đấu.

CLB Hoàng Anh Gia Lai đệ đơn lên Ban tổ chức xin “thay tên đổi họ” trở thành LPBank Hoàng Anh Gia Lai.

Trở lại chuyện “đội bóng phố Núi” xin “thêm đuôi” mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết. Nói như Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Dương Nghiệp Khôi: “Ban tổ chức rất hiểu, phải gắn tên nhà tài trợ CLB mới có tiền”. Song, vẫn theo đại diện VFF, đề nghị này không phù hợp với quy định, bởi điều 8 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp nêu rõ: Câu lạc bộ không được thay đổi tên trong khi mùa giải đang diễn ra; ngoài ra tên đội bóng không được bao gồm tên hoặc biểu trưng, logo của bên thứ ba, cho dù đó là đối tác thương mại hay nhà tài trợ!

Hiểu và thông cảm cho cái khó của CLB nhưng không có nghĩa khán giả không băn khoăn, chạnh lòng khi giải đấu cao nhất quốc nội cứ phải liên tục “ăn đong”, chạy theo doanh nghiệp. Lấy dẫn chứng từ những đội bóng hàng đầu “cựu lục địa”, có tuổi đời lên tới cả thế kỷ và đồng hành với họ là vô số nhà tài trợ nhưng chưa có nhãn hiệu nào có thể xuất hiện ngang hàng hay đứng trước tên gọi, bất kể giá trị gói tài trợ lớn đến đâu đi chăng nữa.

Ai cũng biết, so với thiên hạ, các đại diện V.League thua xa về tầm ảnh hưởng cũng như sức hút. Nếu như với Paris Saint Germain (Pháp), Manchester United (Anh), Barca, Real Mandrid (Tây Ban Nha), AC Milan (Italia)… các thương hiệu phải “xếp hàng” để được tài trợ thì hầu như năm nào các CLB ở xứ ta cũng “đỏ mắt” tìm doanh nghiệp “chống lưng”.

Nói cách khác, để các CLB V.League có thể “hiên ngang” đứng một mình, giải pháp duy nhất là phải nâng tầm đội bóng (và giải đấu). Khi trở thành một “thương hiệu” mạnh, họ mới chấm dứt được thực trạng thay tên đổi họ “xoành xoạch” như hiện nay.

Mà viễn cảnh đó xem ra còn ở… thì tương lai!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận